Từ tháng 1-2013, dự án “Giáo dục môi trường trong trường mầm non” do tổ chức AEA của Cộng hòa Pháp tài trợ sẽ tiếp tục triển khai tại 5 xã phường trên địa bàn TP. Nha Trang.
Từ tháng 1-2013, dự án “Giáo dục (GD) môi trường trong trường mầm non (MN)” do tổ chức AEA của Cộng hòa Pháp tài trợ sẽ tiếp tục triển khai tại 5 xã phường trên địa bàn TP. Nha Trang. Sau 2 năm triển khai tại thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), các hoạt động của dự án đã tác động đến phương pháp GD và ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội.
Kết nối cộng đồng
Với mục tiêu cải thiện môi trường cộng đồng, gia đình và nhà trường, tạo môi trường an toàn, vệ sinh và thân thiện với trẻ, dự án “GD môi trường trong trường MN” đã đề ra nhiều hoạt động rất cụ thể: Tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cộng đồng, phụ huynh về vấn đề bảo vệ môi trường; về phương pháp, nội dung, hình thức dạy trẻ về GD môi trường; tập huấn kỹ năng làm đồ chơi, đồ dùng tự tạo bằng các nguyên vật liệu đã qua sử dụng; trang bị đồ chơi ngoài trời, hỗ trợ các vật dụng để tạo khu vui chơi cho các cháu; vận động các tổ chức tham gia trồng cây xanh, làm đẹp nhà trường; tổ chức các hội thi về GD môi trường… Dự án được triển khai từ năm 2011 đến hết năm 2013, với tổng kinh phí hàng năm là 537 triệu đồng, theo phương thức mỗi năm thực hiện cho một địa phương. Và mỗi địa phương có 5 trường MN tham gia dự án.
Bà Lê Thị Thư, Hiệu trưởng Trường MN Diên Thọ (Diên Khánh) cho biết, với nguồn kinh phí của dự án, nhà trường được trang bị đồ chơi ngoài trời cho trẻ, trang trí trường lớp, trồng thêm cây xanh… Nhờ được tập huấn, nhà trường đã tổ chức nói chuyện với phụ huynh về nội dung GD bảo vệ môi trường, tổ chức cho phụ huynh dự giờ, dự tổ chức bữa ăn cho trẻ. Qua đó, phụ huynh thấy được chế độ sinh hoạt trong ngày của trẻ, thấy được công việc của giáo viên nuôi dạy chăm sóc trẻ, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, vệ sinh, dinh dưỡng và sức khỏe. “Trong hoạt động của dự án có nội dung tập huấn cho giáo viên, phụ huynh kỹ năng làm đồ chơi, đồ dùng tự tạo bằng các nguyên vật liệu đã qua sử dụng. Chẳng hạn như sử dụng chai nước rửa chén để làm con voi, hộp sữa làm bộ bình tách, sọ dừa làm con rùa… Khi thấy được tác dụng rõ rệt, nhiều phụ huynh đã biết tiết kiệm nguyên liệu đã qua sử dụng đem đến lớp cùng làm đồ chơi với giáo viên để bổ sung thêm đồ chơi cho con em ở trường, vừa góp phần hạn chế rác thải để bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phụ huynh, người dân còn tự nguyện đóng góp cây xanh, chậu cây cảnh, đóng góp ngày công, đất, cát… để tạo quang cảnh môi trường xanh - sạch - đẹp trong các trường MN. Đây là hoạt động rất lý thú, mang tính kết nối cộng đồng cao”, bà Đinh Thị Mai Thảo, Hiệu trưởng Trường MN Diên Thạnh nói.
Giáo viên, phụ huynh, học sinh Trường Mầm non Lý Tự Trọng đang làm đồ dùng học tập từ những nguyên vật liệu đã qua sử dụng. |
Nhân rộng mô hình
Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị các trường tham gia dự án phải duy trì các kết quả đạt được từ các hoạt động của dự án; bảo trì và sử dụng có hiệu quả các công trình, sân vườn, cây xanh, quang cảnh… do dự án tạo dựng; tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh, cộng đồng trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường. Cần nhân rộng mô hình hoạt động của dự án ra các trường MN khác, đồng thời kiểm tra, giám sát các trường trong việc đảm bảo tính bền vững của dự án. |
Cuối năm 2012, ngay sau khi kết thúc dự án, huyện Diên Khánh đã có chủ trương tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình GD này đến các trường MN trên địa bàn huyện. Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh nói: “Qua khảo sát tại 5 trường MN tham gia dự án, có thể thấy rõ sự thay đổi tích cực. Các trường xanh, sạch, đẹp hơn trước; các cháu đã có ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cái được lớn hơn của dự án này là đã kết nối được với các bậc phụ huynh trong việc GD, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra 15 trường MN còn lại trên địa bàn huyện trong thời gian tới”. Còn tại thị xã Ninh Hòa, bà Hồ Thị Minh Nhựt, chuyên viên phụ trách khối MN của Phòng GD-ĐT cho biết, ngay sau khi kết thúc dự án vào cuối năm 2011, Phòng đã chỉ đạo cho 25 trường MN còn lại của thị xã học tập mô hình. “Dù không có sự hỗ trợ về vật chất của dự án nhưng nhờ học tập cách làm của các trường đã tham gia dự án, nhờ tính năng động của cán bộ quản lý và giáo viên mà nhiều trường MN trên địa bàn cũng đã vận dụng sáng tạo, kết hợp các nguồn lực tổ chức hoạt động GD và xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ đó, góp phần thực hiện thành công phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực...”, bà Hồ Thị Minh Nhựt nói.
Từ tháng 1-2013, dự án “GD môi trường trong trường MN” sẽ triển khai tại 5 xã, phường trên địa bàn TP. Nha Trang. Đó là: xã Phước Đồng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, phường Vĩnh Hòa và Vĩnh Nguyên. Hy vọng với những mục tiêu và hoạt động của dự án, các trường MN trên địa bàn thành phố sẽ có thêm nguồn lực để kết nối với cộng đồng trong việc GD, chăm sóc trẻ, đạt được các mục tiêu GD trong thời kỳ mới.
THU HIỀN