10:12, 12/12/2012

Ngôi trường nơi vùng khó

Chỉ cách TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) 50km đường bộ và 15 phút đi thuyền nhưng do thiếu thốn về mọi mặt nên hoạt động dạy và học của thầy trò Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bình Hưng (thôn Bình Hưng, xã Cam Bình) gặp không ít khó khăn.

Chỉ cách TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) 50km đường bộ và 15 phút đi thuyền nhưng do thiếu thốn về mọi mặt nên hoạt động dạy và học của thầy trò Trường Tiểu học (TH) và Trung học Cơ sở (THCS) Bình Hưng (thôn Bình Hưng, xã Cam Bình) gặp không ít khó khăn.

Lớp học 7 học sinh

Năm học 2012 - 2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh đã thành lập Trường TH và THCS Bình Hưng nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục cho con em nhân dân khu vực này. Trước khi có tên Trường TH và THCS Bình Hưng, ngôi trường này vốn là điểm trường phụ của Trường TH Cam Bình. Cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, lại thiếu giáo viên (GV) nên trường có rất ít học sinh (HS). Những gia đình có điều kiện đều tìm cách cho con học ở thành phố. Từ khi được nâng cấp lên thành trường, được trang bị thêm trang thiết bị dạy học và bổ sung đội ngũ GV, số lượng HS tăng lên đáng kể. Hiện trường có 10 lớp với 175 HS, trong đó có 6 lớp TH và 4 lớp THCS. Tuy nhiên, các lớp khối THCS rất ít HS, có lớp chỉ có 7 HS. Cô Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Bình Hưng cho biết: “Những năm gần đây, đời sống của người dân trên đảo Bình Hưng khá hơn nhờ nuôi tôm hùm lồng và đánh bắt hải sản nên khi có điều kiện, họ đều cho con vào thành phố học tiếp cấp 2. Ngoài ra, do trên đảo chưa có điện nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học”. Hiện nay, mọi hoạt động dạy học, sinh hoạt của trường đều nhờ nguồn điện từ máy phát điện của thôn.

Học sinh lớp 1 ở đảo Bình Hưng.
Học sinh lớp 1 ở đảo Bình Hưng.

Không có điện, không tiếp cận được công nghệ thông tin, không chỉ HS mà cả GV cũng gặp khó khăn trong việc soạn giáo án. Nhiều GV cho biết, do thiếu thốn về mọi mặt nên việc tiếp thu bài của các em HS ở đây rất hạn chế. Nhiều hôm cúp điện, mất bài, GV phải dạy bù ngay, thậm chí cả Thứ bảy, Chủ nhật để giúp HS nắm vững kiến thức và theo kịp chương trình. Cô Phan Thị Như Tuyến, GV của trường chia sẻ: “Tôi dạy học ở đảo Bình Hưng đã 5 năm. HS ở đảo thua thiệt rất nhiều so với HS ở đất liền. Những tiết học cần liên hệ thực tế, HS ít được tiếp cận. Chính vì vậy, chúng tôi luôn đưa ra các phương pháp dạy học gần gũi, thích hợp với HS, từng bước giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản và mạnh dạn tham gia hoạt động ngoại khóa trong điều kiện có thể của trường.

Chế độ cho giáo viên còn bất cập

Sự cách biệt về địa lý, xa quê hương, xa gia đình đã làm cho cuộc sống của GV nơi đây gặp nhiều khó khăn. Toàn trường có 23 cán bộ, GV thì chỉ có 2 người là người địa phương, còn lại là đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Với diện tích chưa đầy 20m2 cho mỗi phòng công vụ, 2 phòng công vụ của nhà trường không đáp ứng đủ nhu cầu của GV. Vì thế, một số GV phải ở nhờ nhà dân. Những khi trời nóng, không có điện, các GV nam phải chọn hành lang của trường làm chỗ ngủ. Được biết, đầu năm học trường có 24 cán bộ, GV nhưng do điều kiện sống khó khăn nên 1 GV đã bỏ nhiệm sở. Thầy Huỳnh Tấn Đức - quê ở Phú Yên, đã có hơn 5 năm gắn bó với ngôi trường này - tâm sự: “Những lúc khó khăn, nhiều GV đã nản lòng, nhưng được Ban giám hiệu nhà trường động viên cùng với tình cảm của HS, chúng tôi đã nỗ lực nhằm bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho HS nơi đây”.

Tách biệt hẳn với địa bàn lân cận, Bình Hưng như đảo nhỏ giữa biển nước mênh mông. Điều đáng quan tâm là hiện Bình Hưng chưa được Nhà nước công nhận là thôn đảo nên chế độ cho GV của trường vẫn còn bất cập. Mong muốn của đội ngũ GV nơi đây là các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa để giúp giáo dục ở thôn đảo Bình Hưng ngày càng phát triển.

LÊ NGUYÊN