Kết quả kiểm tra năng lực ngoại ngữ theo chuẩn chung châu Âu của giáo viên Tiếng Anh các cấp học phổ thông ở Khánh Hòa do Hiệp hội Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) thực hiện gần đây cho thấy có hơn 2/3 thầy cô giáo chỉ đạt từ mức B1 trở xuống, .....
Kết quả kiểm tra năng lực ngoại ngữ theo chuẩn chung châu Âu của giáo viên (GV) Tiếng Anh các cấp học phổ thông ở Khánh Hòa do Hiệp hội Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) thực hiện gần đây cho thấy có hơn 2/3 thầy cô giáo chỉ đạt từ mức B1 trở xuống, nghĩa là tương đương với chuẩn tối thiểu đối với GV tiểu học. Năm trước, Cambridge Esol kiểm tra cũng cho kết quả trong gần 100 GV tiểu học Khánh Hòa thì chỉ có 45% đạt từ B1 trở lên. Kết quả này không có gì bất ngờ vì năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là năng lực nghe và nói của GV Tiếng Anh rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc hầu hết học sinh phổ thông, sau 7 năm học ngoại ngữ, không thể giao tiếp với người nước ngoài.
Chưa coi trọng thực hành
Rất nhiều GV ngoại ngữ đã tốt nghiệp đại học chuyên ngữ nhưng khi được mời làm phiên dịch trong các lần gặp gỡ, tiếp khách nước ngoài cũng đều né tránh. Sự e ngại này cũng có lý do, vì từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông cho đến khi vào học các trường đại học, cao đẳng, họ chủ yếu chỉ được học ngoại ngữ với GV người Việt, ít được giao lưu, học tập với người nước ngoài. Ngay chính một số giảng viên ngoại ngữ ở các trường đại học, cao đẳng cũng thế. Đó là chưa kể nhiều thầy cô, trước đây vốn là giảng viên tiếng Nga, sau một số khóa học cơ bản, chuyển thành giảng viên tiếng Anh.
Các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ tiếng Anh là một trong những giải pháp rèn kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh. |
Xét cho cùng, sự yếu kém về khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ do chương trình, kế hoạch giáo dục, đặc biệt là các hình thức kiểm tra, đánh giá ở các cấp học phổ thông lâu nay tạo ra; khi mà các bài học, các đề thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm cũng chỉ tập trung vào ngữ pháp và viết các câu ngắn. Chính cách dạy và học ngoại ngữ như thế đã làm cho nhiều GV Tiếng Anh thực sự có năng lực cũng “lụt” nghề dần vì phải tập trung quá nhiều thời gian và sức lực để rèn học sinh về câu cú, từ ngữ nhằm đạt kết quả tốt trong các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp hoặc tuyển sinh vào đại học. Bản thân họ cũng ít có cơ hội sử dụng tiếng Anh như một sinh ngữ đúng nghĩa - luôn đòi hỏi giao tiếp thường xuyên với các kỹ năng nghe, nói. Ngoài sự thiếu thốn, bất cập của các phương tiện dạy học, còn có một nguyên nhân khác khiến cho việc dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông lâu nay chưa tốt, bởi ngoại ngữ chưa thực sự được coi là một môn học công cụ; đến nay nó vẫn chỉ là môn học tự chọn ở cấp tiểu học; ở các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông còn bị coi là môn phụ hoặc chỉ là một môn học văn hóa bình thường. Có lẽ chính vì vậy mà các cấp quản lý giáo dục chưa dành nhiều quan tâm cho ngoại ngữ như đối với môn Văn, Toán. Bằng chứng là các phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đến nay chưa hề có chuyên viên phụ trách ngoại ngữ, dù ở nhiều nơi, học sinh đã bắt đầu học Tiếng Anh từ năm lớp 3.
Cần những giải pháp căn cơ và đồng bộ
Sở GD-ĐT Khánh Hòa cũng đã sớm nhận ra thực trạng này và đã chủ động tìm cách tháo gỡ từng bước. Tuy đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2008 - 2020” đến nay chưa được ban hành nhưng từ 2 năm qua, Sở đã 2 lần tổ chức kiểm tra năng lực ngoại ngữ của GV Tiếng Anh với sự phối hợp của các tổ chức Cambridge Esol và SEAMEO cho gần 500 GV các cấp học phổ thông Khánh Hòa. Sở cũng đã cử GV đi dự các lớp bồi dưỡng do Bộ tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn; phối hợp với SEAMEO mở các lớp bồi dưỡng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Những công việc này đều nằm trong lộ trình chung của Bộ GD-ĐT nhằm khẩn trương nâng cao năng lực ngôn ngữ và cả năng lực sư phạm cho GV Tiếng Anh toàn quốc nhằm đạt chuẩn chung của châu Âu. Tuy vậy, với thời gian học tập 1 tháng để nâng 1 bậc; cụ thể là từ bậc 3/6 (B1) lên bậc 4/6 (B2), chính học viên cũng cho rằng khó có hiệu quả thực sự. Bởi không ai có thể làm thay đổi năng lực, chất lượng GV ngoại ngữ bằng các lớp bồi dưỡng ngắn ngày dù có phương pháp hiện đại thế nào đi nữa. Đó là chưa nói đến việc các GV đã lớn tuổi, không thể nâng chuẩn lên được thì sẽ giải quyết ra sao?
Để có thể cải thiện tình hình dạy - học ngoại ngữ, mà mục tiêu trước mắt là nâng cao kỹ năng giao tiếp và năng lực sư phạm cho GV Tiếng Anh đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp mang tính căn cơ và đồng bộ hơn. Các nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (vốn tốn nhiều kinh phí nhất) là cần thiết nhưng yếu tố con người vẫn quan trọng hơn cả. Bằng chứng là nhiều người cao tuổi, trước đây có cơ hội làm việc trực tiếp với người nước ngoài hoặc học tiếng Pháp, tiếng Anh với người bản ngữ chỉ bằng phương pháp “truyền khẩu” là chính, nay vẫn nói tiếng Anh, tiếng Pháp trơn tru, trôi chảy. Cho nên, không cần đặt quá nặng việc xây dựng phòng học, mua sắm máy móc, thiết bị trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.
Ở tầm vĩ mô, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương đổi mới chương trình, kế hoạch dạy học cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Chương trình và cả quy trình đào tạo GV ngoại ngữ ở các trường sư phạm cũng phải thay đổi. Còn ở từng địa phương, đi đôi với việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ GV ngoại ngữ đã có, từ nay, chỉ nên tuyển dụng GV ngoại ngữ đã có đủ trình độ và chứng chỉ tương ứng với quy định của từng cấp học phổ thông theo chuẩn chung châu Âu; cũng nên sớm có kế hoạch mời GV là người nước ngoài trực tiếp đứng lớp ở các trường phổ thông như một số tỉnh, thành phố khác đã làm, cũng như cử GV ngoại ngữ đi tập huấn ở các nước nói tiếng Anh.
Còn một giải pháp ít tốn kém, dễ áp dụng mà lại đạt hiệu quả khá tốt là không ngừng khuyến khích và phát huy các hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh cho GV và học sinh, tổ chức các hoạt động giao lưu với khách nước ngoài. Đó cũng là một trong những cách rèn kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ tốt.
ĐỖ QUYÊN