06:11, 17/11/2012

Ðất bén người, cái chữ bén đảo xa

Hơn một giờ lênh đênh trên biển, trời lúc mưa lúc tạnh, cuối cùng đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Ðứng trên tàu nhìn về phía đảo, nổi bật giữa màu xanh của núi và biển là màu ngói đỏ của ngôi trường hải đảo đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Hơn một giờ lênh đênh trên biển, trời lúc mưa lúc tạnh, cuối cùng đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Ðứng trên tàu nhìn về phía đảo, nổi bật giữa màu xanh của núi và biển là màu ngói đỏ của ngôi trường hải đảo đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực nhìn từ phía biển.
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực nhìn từ phía biển.
Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đã 34 năm gắn bó với đảo Bình Ba.
Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đã 34 năm gắn bó với đảo Bình Ba.

Gắn bó với đảo

Trước khi ra Bình Ba, trong suy nghĩ không chỉ của riêng tôi, chuyện học hành ở đây chắc cũng không ít gian nan. Thế nhưng, trên chuyến tàu đưa chúng tôi ra đảo, thầy Phan Ngọc Duyệt - Hiệu phó Trường Tiểu học Cam Bình, dân đảo Bình Ba chính gốc cười khoe, mấy năm gần đây cuộc sống người dân trên đảo khá dần lên nhờ phong trào nuôi tôm hùm nên diện mạo của đảo Bình Ba đã có nhiều thay đổi.

Cô dạy em từng nét chữ đầu tiên.
Cô dạy em từng nét chữ đầu tiên.

Hiện nay, trên đảo Bình Ba có hệ thống trường lớp đầy đủ từ bậc mầm non đến trung học cơ sở (THCS), mạng lưới bố trí khá hợp lý. Các trường: Mẫu giáo Cam Bình, Tiểu học Cam Bình và THCS Nguyễn Trung Trực đều được xây kiên cố với 2 tầng lầu và nhà công vụ cho giáo viên (GV). Trước khi ra Bình Ba, chúng tôi nghe kể khá nhiều về những khó khăn, vất vả của GV ở đảo. Thế nhưng, gặp thầy cô trong chuyến thăm lần này, chúng tôi không hề nghe thấy một lời than vãn. Tất cả dường như là chuyện của bao năm trước, để giờ đây chỉ là kỷ niệm, là niềm vui khi thấy sự gắn bó của những người thầy với đảo Bình Ba.

Tranh thủ giờ giải lao, cô Nguyễn Thị Thoan chạy về thăm con.
Tranh thủ giờ giải lao, cô Nguyễn Thị Thoan chạy về thăm con.

Năm 1978, vừa tròn đôi mươi, cô Nguyễn Thị Cảnh, quê ở Diên Khánh xung phong ra dạy ở đảo cùng lời hứa với gia đình sau 3 năm sẽ trở về. Ấy vậy mà giờ đây, cô đã có tới 34 năm gắn bó với học sinh (HS) của Trường Tiểu học Cam Bình. Yêu và lập gia đình với một GV người địa phương, cô Cảnh trở thành "người đảo Bình Ba". Nhớ lại những năm tháng khó khăn, cô Cảnh trực trào nước mắt. Cô tâm sự: “Dạy học ở đảo không vất vả nhưng việc đi lại giữa đảo với đất liền thì cực và nguy hiểm, nhất là mùa Đông. Ngày mới ra đảo, tôi rất nhớ đất liền, nhớ gia đình. Điều kiện dạy học ngày đó còn khó khăn, thiếu thốn. Cha mẹ lo mưu sinh nên không quan tâm đến các em nhiều, vì thế nhiều em bỏ học hoặc chỉ học hết lớp 9, không vào đất liền theo học tiếp cấp 3 mà ở lại đi biển. Khi có con, tôi càng thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân nơi đây. Lo cho con cái ăn, cái mặc đã khó, nói chi đến việc học hành. Bọn trẻ ở đây học hết lớp 9 phải vào đất liền để học tiếp cấp 3. Mỗi mùa biển động, đứng chờ đón con ở bến tàu là cảm giác mãi mãi tôi không thể nào quên”. Giờ đây, các con đã trưởng thành, mỗi lần nhìn thấy những bà mẹ đứng chờ con ở bến tàu, cô lại nhớ về hình ảnh của mình ngày trước. Cô nói: “Hình ảnh đó làm tôi thêm yêu những người dân và học trò nơi đây”.

1
Trường lớp ở đảo Bình Ba cũng được trang bị đầy đủ công nghệ thông tin.

Ở đảo, chúng tôi còn nghe những câu chuyện cảm động về những hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo nơi đây. Cô Nguyễn Thị Thoan (quê Thái Bình), đang là GV dạy Văn ở Trường THCS Nguyễn Trung Trực. Chồng đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa, cô Thoan vừa đi dạy vừa một mình nuôi 2 con nhỏ. Đứa lớn 4 tuổi, hiện đang ở với bà nội ở Cam Lâm, đứa nhỏ mới 4 tháng tuổi đã phải theo mẹ lên tàu ra đảo. Ở nhà công vụ của GV, 3 người ở chung một phòng nhưng thương cho hoàn cảnh của cô, mọi người dành hẳn căn phòng cho 2 mẹ con để tiện bề sinh hoạt. Những lúc đi dạy, cô Thoan thuê người trông con. Cô tâm sự: “Con khỏe mạnh thì không sao chứ những lúc ốm đau, tôi lo lắm! Những lúc bồng con trên tàu đi lênh đênh trên biển để qua lại giữa đảo và đất liền, những lúc phải đi dạy mà chưa tìm được người trông giữ con… nhiều lúc tôi muốn buông xuôi. Nhưng được nhà trường thông cảm tạo điều kiện, các GV thay nhau giúp đỡ, tôi lại cố gắng vượt qua”. Ngoài cô Thoan, ở đảo còn có nhiều cô giáo cũng có hoàn cảnh tương tự.

Nhà công vụ cho giáo viên hơi chật nên không đủ chỗ ngồi cho giáo viên soạn giáo án
Nhà công vụ cho giáo viên hơi chật nên không đủ chỗ ngồi cho giáo viên soạn giáo án

Giáo dục khởi sắc

"Ðất bén người rồi, nên ở lại đảo mãi mãi thôi!", đó là câu nói vui mà anh Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh dành cho GV ở đảo. Anh Du cho biết, thấu hiểu những khó khăn của GV ở đảo Bình Ba nên thời gian qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến đội ngũ GV ở đảo. Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, xây nhà công vụ cho GV, lãnh đạo thành phố còn hỗ trợ kinh phí để các trường tuyển cấp dưỡng nấu ăn cho GV, hỗ trợ tiền tàu đò cho GV qua lại đất liền. Chính vì vậy, thời gian qua, tư tưởng của đội ngũ GV ở đảo Bình Ba ổn định, yên tâm công tác. Nhờ đó, chất lượng giáo dục nơi đây cũng khởi sắc hơn.

Tiếng cười của học trò là động lực để người giấo viên vượt qua những lo toan vất vả của cuộc sống.
Tiếng cười của học trò là động lực để người giấo viên vượt qua những lo toan vất vả của cuộc sống.

Xa đất liền, giữa mù mịt biển khơi, nhưng các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… được các trường triển khai khá bài bản, tác động không ít tới kết quả giáo dục ở Bình Ba. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ HS có học lực khá giỏi chiếm 73,1% ở cấp tiểu học, 54,3% ở cấp THCS; tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt 100%. Đặc biệt ở đảo Bình Ba không có HS bỏ học. Trong năm học này, Trường THCS Nguyễn Trung Trực -  trường hải đảo đầu tiên của tỉnh vinh dự được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh (người thứ 2, bên trái) cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố thăm và tặng quà tập thể giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh (người thứ 2, bên trái) cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố thăm và tặng quà tập thể giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực.

Sự đi lên của giáo dục ở đảo Bình Ba còn thể hiện ở một góc độ khác. Trước đây, khi nghe dạy học ở đảo Bình Ba, nhiều GV từ chối nhận nhiệm sở. Nhưng 3 năm trở lại đây, năm nào các trường học ở đảo cũng tuyển đủ và dư GV. Điều này chứng tỏ xã đảo đang ngày càng có sức hút. Thầy Nguyễn Hữu Thuế - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực đã 4 lần được Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh điều về làm hiệu trưởng trường THCS ở đất liền, nhưng thầy đều từ chối. “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên không nỡ lòng ra đi” - thầy Thuế tâm sự. Còn với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kim Nhiên (quê Nha Trang), 1 trong 4 GV vừa về Trường Tiểu học Cam Bình từ đầu năm học mới thì đảo Bình Ba là nơi cô nghĩ đến đầu tiên khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Cô Nhiên tâm sự: “Tuy mới ra đảo được nửa tháng nhưng tôi đã yêu cuộc sống ở đảo Bình Ba, nơi tất cả mọi người trên đảo đều gắn bó khăng khít với nhau. Dạy học ngoài đảo, điều ấn tượng và vui nhất là sự ngây thơ, ngộ nghĩnh và ham học của các em. Cuối tuần, trở về đất liền là tôi tranh thủ tìm mua sách vở, đồ dùng học tập giúp các em với niềm vui được bù đắp phần nào sự thiệt thòi cho học trò nơi này”.

Chuẩn bị rời đảo Bình Ba, anh Nguyễn Văn Du nói hiện anh đang trăn trở làm cách nào để nâng mức hỗ trợ tiền tàu đò cho GV ở xa. Bởi mức hỗ trợ hiện nay chỉ đủ cho GV đi một vòng từ đảo về đất liền. Ngoài ra, từ ngày Cam Ranh lên thị xã, GV ở đảo Bình Ba bị cắt phụ cấp của ngành đối với GV hải đảo, miền núi. Chỉ với lương tháng và phụ cấp thâm niên, thu nhập của một GV ở đảo như cô Thoan chỉ 3,1 triệu đồng/tháng. Các thầy cô đã ra đảo dạy học, coi đảo là nhà. Làm thế nào để các thầy cô thật sự yên tâm với nghề, với trò, với cuộc sống ở đảo là điều các cấp, ngành cần quan tâm.

THU HIỀN

Bà Đặng Thị Ngọc Linh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, năm học 2012 - 2013, tỷ lệ trẻ từ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng đạt 100%. Tín hiệu này cho thấy, hệ thống trường lớp đầy đủ, chất lượng giáo dục nâng cao, đời sống kinh tế phát triển đã thay đổi suy nghĩ “học để làm gì” của người dân trên đảo. Giờ đây, bà con không chỉ tin tưởng, cố gắng cho con cái theo học mà còn phối hợp với nhà trường, thầy cô để sự học được tốt hơn.