05:10, 08/10/2012

Để cuộc sống tốt đẹp hơn

“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012 diễn ra thống nhất trên cả nước từ ngày 1 đến hết 7-10-2012.

“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012 diễn ra thống nhất trên cả nước từ ngày 1 đến hết 7-10-2012. Đây là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động tuần lễ này nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về vai trò của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Học để hoàn thiện kỹ năng sống

Tiến sĩ Nguyễn Tác An - Chủ tịch Hội UNESCO Khánh Hòa cho biết, ý tưởng “Xây dựng xã hội học tập suốt đời” ra đời cách đây hơn 132 năm, vào những năm 1880 ở một số quốc gia và đã được UNESCO tổng kết, đúc rút, xây dựng thành lý luận tổng quát, khuyến cáo các quốc gia triển khai vào thực tế của đất nước mình. Việt Nam đã tổ chức xây dựng và phát động các hoạt động theo hướng xây dựng xã hội học tập hết sức linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, phải đến những năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua nghị quyết các đại hội, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Đại hội Đảng lần thứ IX, X và gần đây là Đại hội XI đã khẳng định chủ trương phát triển GD-ĐT nước ta theo hướng “cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Tại Khánh Hòa, thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, đến nay, số người từ 15 đến 35 tuổi biết chữ đạt 99,8%; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo học các chương trình phổ cập đạt 71,7% (đối với trẻ em từ 6 đến 10 tuổi), 78,4% đối với trẻ em từ 11 đến 14 tuổi; số cán bộ xã, phường cập nhật kiến thức đạt 102,7%; số cán bộ cấp tỉnh nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đạt 103,4%; số người lao động thụ hưởng các chương trình đạt 84,7%; 100% thôn, xã có trung tâm học tập cộng cồng... Phát biểu tại lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn kinh phí, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những kết quả của việc thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập thời gian qua là rất đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng xã hội học tập chính là góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, nâng cao năng lực làm việc cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay ở nhiều nơi, nhiều người, thậm chí không ít cán bộ quản lý còn hiểu xây dựng xã hội học tập và học suốt đời đơn thuần chỉ là xây dựng phong trào vận động nhân dân, các tổ chức, đoàn thể, kinh tế - xã hội đóng góp tiền của để xây dựng trường lớp mà quên đi mục tiêu của xây dựng xã hội học tập là: Xóa mù chữ; nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; học tập nâng cao trình độ để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc.

“Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012 diễn ra thống nhất trên cả nước từ ngày 1 đến hết 7-10-2012.
Học sinh đọc sách trong thư viện cũng là một cách học

Cần mở rộng không gian học tập

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tác An, để chủ trương xây dựng xã hội học tập đi vào thực tế, trước hết, Nhà nước phải xây dựng, thiết kế những tiền đề, chính sách, thể chế, cơ chế làm hành lang pháp lý để có thể huy động tất cả xã hội tham gia tích cực vào hoạt động GD và học tập. Đặc biệt phải mở rộng không gian học tập sao cho phù hợp với nhiều đối tượng cụ thể. Không gian học tập không chỉ gói gọn trong nhà trường mà cần mở rộng đến gia đình, các công ty, hội nghề nghiệp... Ông Ngô Văn Hòa (thôn Tân Khánh, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) cho biết: “Bản thân tôi rất thích học. Tuy đã 62 tuổi nhưng hiện nay tôi là học viên tích cực của lớp trồng hoa cây cảnh do Trung tâm Học tập cộng đồng phối hợp cùng Hội Nông dân xã tổ chức. Theo tôi, mọi hình thức học tập dù nhỏ nhất đều có ích. Đi học không chỉ cho bản thân mà còn là tấm gương hiếu học để răn dạy con cháu. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần tổ chức nhiều lớp học cho nhiều đối tượng khác nhau để khuyến khích mọi người tham gia học tập”.

Theo ông Lê Xuân Thân, thời gian tới, cần phải xác định công cụ để thực hiện việc xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng của chính hệ thống các cơ sở GD chính quy, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới là phát thanh, truyền hình để GD từ xa và GD mở rộng cho mọi nhóm đối tượng với chi phí thấp. Đồng thời, các sở, ngành chức năng phải bổ sung và hoàn chỉnh thêm để xây dựng được các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp cho mọi người dân được đảm bảo quyền học tập suốt đời. Việc triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 cần được tiến hành đồng bộ và bám sát các mục tiêu cụ thể đã đặt ra nhằm mang tính khả thi và lợi ích thiết thực cao hơn cho mọi người dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, cụm dân cư khuyến học gắn với nhà trường, gia đình và xã hội. Các phong trào phải thực sự góp phần đổi mới cách dạy, cách học trong nhà trường, đồng thời phát triển thêm các hình thức học tập cho người lớn, phát hiện kịp thời các năng khiếu, tài năng trong thế hệ trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài...

LÊ NGUYÊN