23:23, 16/01/2025

Trường Đại học Nha Trang: Tăng cường đào tạo theo đặt hàng từ doanh nghiệp

H.NGÂN

Trường Đại học Nha Trang vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hải Vương về triển khai đào tạo ngành Công nghệ chế biến thủy sản HVG-NTU. Đây là chương trình đào tạo đặt hàng từ doanh nghiệp thứ 2 của trường, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Doanh nghiệp hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo 

Theo thỏa thuận hợp tác, Tập đoàn Hải Vương đặt hàng Trường Đại học Nha Trang đào tạo ngành Công nghệ chế biến thủy sản HVG-NTU cho 3 khóa, mỗi khóa khoảng 30 sinh viên (SV). Tập đoàn sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo của 3 khóa với tổng số tiền 9 tỷ đồng (trị giá 100 triệu đồng/SV trong 4,5 năm học). Ngoài ra, SV theo học chương trình này được thực tập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hải Vương, được bố trí phương tiện đi lại trong thời gian thực tập. Sau khi tốt nghiệp, SV được bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn và năng lực, mức thu nhập khởi điểm tương đương hoặc cao hơn các tập đoàn, công ty lớn về lĩnh vực thủy sản ở Việt Nam.

Đại diện Trường Đại học Nha Trang và Tập đoàn Hải Vương ký kết hợp tác.
Đại diện Trường Đại học Nha Trang và Tập đoàn Hải Vương ký kết hợp tác.

Tập đoàn Hải Vương được coi là đơn vị chuyên về chế biến và xuất khẩu các loại cá, đặc biệt là cá ngừ đại dương hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hải Vương) cho rằng: “Với tầm nhìn lâu dài, tập đoàn rất cần có nguồn lực chất lượng nên đã mạnh dạn đầu tư để cùng Trường Đại học Nha Trang hợp tác triển khai chương trình này. Chúng tôi mong rằng, trong tương lai sẽ có được nguồn lực chất lượng, đặc biệt là giúp SV có cái nhìn khác về ngành thủy sản để cùng tham gia, đóng góp cho sự phát triển ngành Thủy sản của tỉnh và cả nước”.

Thời gian đào tạo 4,5 năm

Để triển khai đào tạo ngành Công nghệ chế biến thủy sản HVG-NTU, Trường Đại học Nha Trang phải tăng thời gian đào tạo lên 4,5 năm để đảm bảo điều kiện SV tốt nghiệp là kỹ sư; tăng thời lượng đào tạo tiếng Anh, tin học, các kỹ năng mềm, đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản lý, quản trị. SV theo học chương trình này phải trải qua bước sơ tuyển trước khi xét tuyển chính thức. Bước sơ tuyển sẽ do hội đồng sơ tuyển có sự tham gia của Tập đoàn Hải Vương để lựa chọn những thí sinh thể hiện rõ năng lực, đam mê và phù hợp với chương trình. Thời gian tuyển sinh và đào tạo sẽ bắt đầu từ năm học 2025 - 2026. Đối với đầu ra, ngoài các yêu cầu đặc biệt về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, SV phải đạt được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo chuẩn đầu ra của chương trình; đạt được năng lực tiếng Trung và tiếng Nga theo khung năng lực ngoại ngữ bậc 4 theo yêu cầu của tập đoàn. Đồng thời, SV phải cam kết làm việc cho tập đoàn tối thiểu 5 năm ngay sau khi tốt nghiệp, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường chi phí.

Trường Đại học Nha Trang được coi là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình đào tạo theo hình thức đặt hàng từ doanh nghiệp. Năm 2022, nhà trường đã triển khai chương trình hợp tác đào tạo theo đặt hàng đầu tiên với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Theo đó, tập đoàn này tài trợ toàn khóa học 100 triệu đồng cho 100 SV mỗi khóa, giai đoạn 1 kéo dài 5 năm, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng.

Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nha Trang cho biết: “Thủy sản là ngành truyền thống của Trường Đại học Nha Trang. Việc đào tạo theo đặt hàng không chỉ thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn khẳng định vai trò của nhà trường trong việc đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các đơn vị. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng sự hợp tác này sẽ tạo ra một chương trình khác biệt, chất lượng, mở ra cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp cho SV, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản”.

H.NGÂN