Để tìm hiểu thông tin về việc chủ động triển khai công tác ứng phó và nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai của người dân, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. |
- Vừa qua, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho đồng bào các tỉnh miền Bắc, đặc biệt ở những khu vực biển nơi bão quét qua, khu vực đồi núi bị lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn. Tại Khánh Hòa đã từng xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại về người. Khi xảy ra thiên tai, đâu là những điểm được xác định có nguy cơ chịu ảnh hưởng của gió bão, sóng lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, thưa ông?
- Khi xảy ra thiên tai, trên địa bàn tỉnh, những điểm được đánh giá có nguy cơ chịu ảnh hưởng gồm: Khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển (tập trung ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm) bị ảnh hưởng do bão; các vị trí ven sông Cái (Nha Trang), sông Dinh (Ninh Hòa) bị ảnh hưởng do mưa lớn gây lũ, sạt lở; đặc biệt là các khu vực dân cư sinh sống trên sườn núi, chân đồi sẽ dễ bị nguy hiểm bởi sạt lở đất do mưa lớn. Cụ thể, theo thống kê toàn tỉnh có 216 vị trí có nguy cơ sạt lở với khoảng 6.300 hộ, 27.000 nhân khẩu cần sơ tán khi xảy ra mưa lớn (tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang có 130 vị trí, với 4.029 hộ, 16.520 nhân khẩu). Các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất như: 2 thôn Thành Phát và Thành Đạt, xã Phước Đồng; khu vực Tổ 1 thôn Hòa Tây giáp Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, phường Vĩnh Hòa; khu vực núi Chụt phường Vĩnh Trường - TP. Nha Trang; khu vực đèo Cả, xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh)…
- Phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối; sạt lở đất khu vực đồi núi; gió bão mạnh gây ngã đổ cây cối, nhà cửa, công trình… được triển khai như thế nào?
- Hiện nay, từng địa phương, đơn vị đã thực hiện rà soát từng lĩnh vực, địa bàn để nắm bắt số liệu thực tế và xây dựng phương án ứng phó cụ thể nhằm hướng dẫn, tổ chức sơ tán đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra. UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh. Khi cần thiết, thực hiện ngay phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả cưỡng chế sơ tán, ngăn chặn tình trạng người dân quay trở lại các khu vực đã được sơ tán nhằm hạn chế thiệt hại đáng tiếc về người xảy ra.
- Thực tế triển khai phương án ứng phó thiên tai cho thấy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, ý thức chủ động phòng, chống thiên tai của người dân đặc biệt quan trọng, ông có lưu ý gì về vấn đề này?
- Đa số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều chấp hành công tác chủ động ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chủ quan, chẳng hạn như không chịu di dời; vẫn thực hiện các hành vi đánh cá, vớt củi khi mưa lũ hoặc di chuyển vào trong rừng trước khi có thiên tai; tự ý trở lại lồng bè nuôi trồng thủy sản dù đã có lệnh cấm biển… nên vẫn có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường công tác giám sát và thực thi các lệnh cấm, cưỡng chế sơ tán khi xảy ra thiên tai; đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền, thông tin kịp thời và rõ ràng về nguy cơ thiên tai nhằm nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!
C.Đ (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin