Dự báo từ nay đến cuối năm, mưa sẽ xảy ra nhiều hơn so với các năm gần đây; những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh đã được xác định. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị đã chủ động phương án ứng phó với thiên tai.
Công nhân hồ Hoa Sơn kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đóng mở van điều tiết nước trước mùa mưa lũ năm 2024. |
Xác định các điểm xung yếu
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, theo phương án phòng, chống thiên tai, khi có tình huống xảy ra, huyện ưu tiên sơ tán gần 3.000 người dân khỏi lồng bè nuôi trồng thủy sản; sắp xếp gần 1.000 tàu thuyền đến nơi tránh trú bão an toàn; di dời người dân tại các khu vực vùng núi xung yếu có nguy cơ về sạt lở đất, nhất là ở xã Đại Lãnh. Huyện cũng đã sẵn sàng lực lượng vũ trang và lực lượng hiệp đồng với các đơn vị tổng cộng hơn 500 người (chưa kể lực lượng cấp xã) để hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão, mưa lớn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra vận hành hồ chứa nước Suối Dầu trước mùa mưa bão 2024. |
Tại Ninh Hòa, UBND thị xã đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, trong đó xác định 3 vùng ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng khi có bão, áp thấp nhiệt đới, kết hợp triều cường, với các xã, phường: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy, Ninh Phước, Ninh Vân...; các xã, phường đồng bằng có nguy cơ ngập sâu, nước lũ thoát chậm gây chia cắt khi có bão, mưa lớn, lũ như: Ninh Đa, Ninh Phụng, Ninh Đông, Ninh Hiệp...; các xã vùng núi có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Tân, Ninh Thượng... Từ đó, địa phương có phương án sẵn sàng ứng phó phù hợp cho mỗi khu vực.
Tại TP. Nha Trang, cùng với xây dựng chi tiết phương án ứng phó với 8 loại hình thiên tai phổ biến như: Bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét…, thành phố đã xác định 130 điểm, vị trí khu vực xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa bão; 141 điểm có khả năng xảy ra ngập cục bộ khu dân cư, tắc nghẽn giao thông. Trong đó, khu vực ở thôn Thành Phát và thôn Thành Đạt (xã Phước Đồng); kè sông Cái qua xã Vĩnh Phương - Vĩnh Ngọc; mương thoát lũ từ Diên Sơn, Diên Điền đoạn qua xã Vĩnh Phương… là những điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài.
Tại các địa phương ven biển, hoạt động nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế rất lớn nên một số người dân thường có tâm lý ở lại trên các bè nuôi trồng thủy sản để bảo vệ tài sản. Do đó, các địa phương ven biển rất chú trọng tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế di dời người dân đến nơi an toàn trước khi có bão cũng như kiểm soát, không để người dân tự ý trở lại bè nuôi thủy sản khi chưa hết lệnh cấm biển.
Tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, các phương án phòng, chống thiên tai tập trung vào việc đưa người dân ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, bố trí lực lượng chốt chặn ở các khu vực băng qua suối, ngầm tràn khi có mưa lớn xảy ra; chủ động xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, lũ quét, sạt lở núi, vùng thường xuyên bị chia cắt, ngập sâu để xác định tổng số hộ dân cần sơ tán đến nơi an toàn; chuẩn bị lương thực, dầu hỏa và các nhu yếu phẩm khác nhằm đảm bảo không để người dân phải chịu đói, chịu rét khi thiên tai xảy ra. Riêng ở Khánh Sơn, phương châm: “Tích cực, chủ động phòng là chính; ứng cứu, giải quyết hậu quả kịp thời có hiệu quả để nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân” đã được địa phương quán triệt đến các cấp, ngành, lực lượng. Đồng thời, công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của thiên tai để có ý thức tự phòng ngừa một cách hiệu quả cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Lên phương án ứng phó hiệu quả
Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã thường xuyên chỉ đạo công tác chủ động ứng phó với mùa mưa bão cuối năm. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị đang xây dựng các kịch bản cụ thể, sẵn sàng cả về phương án, nhân lực, phương tiện nhằm chủ động ứng phó một cách hiệu quả, sát thực khi có thiên tai xảy ra. Theo đó, các địa phương tập trung rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực xung yếu ngập lụt bởi nước biển dâng do bão mạnh, siêu bão; các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét; các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa…; các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai để có phương án chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang. |
Trong tháng 9 vừa qua, các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chủ động ứng phó thiên tai đối với các địa phương trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, đến nay, các địa phương đã hoàn tất việc kiện toàn lực lượng, xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cả về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai từ nay đến cuối năm. Nhất là ứng phó kịp thời, hiệu quả với bão mạnh, mưa lớn với phương châm quyết liệt, chủ động, kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin