22:51, 05/09/2024

Ứng dụng số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

MÃ PHƯƠNG

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), qua đó giúp đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan đến vùng ĐBDTTS và miền núi.

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ Hành chính công tại xã Cầu Bà, huyện Khánh VĨnh
Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ hành chính công tại xã Cầu Bà.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với ứng dụng số 

Xã Cầu Bà (huyện Khánh Vĩnh) có 733 hộ với 2.946 nhân khẩu, trong đó 99% là ĐBDTTS, tỷ lệ hộ nghèo hơn 45%, trình độ dân trí thấp; do đó, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là điều khó khăn đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và ứng dụng CNTT là nền tảng mang tính quyết định, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã triển khai thực hiện kịp thời các nhiệm vụ về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trên địa bàn, qua đó mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, xã đã thành lập 2 tổ công nghệ số cộng đồng với 24 thành viên nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân dùng các ứng dụng trên điện thoại như: Sử dụng dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử, cũng như nhiều tiện ích khác trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xã cũng đã đầu tư lắp đặt 15 hệ thống truyền thanh IP, hệ thống phát sóng thông minh thông qua máy vi tính hoặc điện thoại kết nối Internet; lắp đặt 2 trạm phát wifi miễn phí trên địa bàn xã, qua đó nâng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng Internet miễn phí lên gần 90%. Các ban, ngành, đoàn thể xã đều có fanpage facebook, zalo và một số nền tảng mạng xã hội khác… để thường xuyên đăng tải thông tin, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Ông Hà Quyên (thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà) cho biết: “Trước kia, gia đình tôi không ai biết đến điện thoại thông minh, hay Internet. Từ khi triển khai mô hình sinh kế chăn nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, tôi đã cố gắng học hỏi cách tạo facebook, zalo liên kết các hội viên với nhau để thường xuyên cập nhật thông tin, cũng như tình trạng của bò cho nhóm trưởng. Tôi thấy việc ứng dụng CNTT như thế này rất nhanh và hiệu quả”. 

Các bạn trẻ thuộc mô hình Khánh Sơn Eco đang thực hiện thao tác trên trang Fanpage Khanh Son Eco .
Thành viên mô hình Khánh Sơn Eco đăng tải dịch vụ du lịch lên facebook.

Ông Phạm Duy Khánh - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã trao 87 thiết bị nghe, nhìn cho những người có uy tín trong ĐBDTTS; nhiều nhà văn hóa, cộng đồng đã có mạng wifi miễn phí. Qua đó, giúp ĐBDTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm

Là một trong những mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Khánh Sơn làm du lịch cộng đồng, Khánh Sơn Eco (thị trấn Tô Hạp) đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Theo bà Lê Thị Phương Trinh - sáng lập viên của Khánh Sơn Eco, đây là mô hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm với nông sản sạch do một nhóm bạn trẻ vùng ĐBDTTS huyện Khánh Sơn sáng lập. Ban đầu, mô hình gặp nhiều khó khăn nhưng các bạn trẻ đã nỗ lực biến khó khăn thành những đặc trưng thông qua việc tạo ra những trải nghiệm mới, hoang sơ cho du khách, đồng thời kết nối với những nhà vườn áp dụng công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại trong trồng trọt, tạo ra sản phẩm nông sản sạch để du khách thưởng thức. Nhóm cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch, hình ảnh quê hương Khánh Sơn đến với cộng đồng yêu du lịch thông qua các kênh mạng xã hội như facebook và TikTok Khanh Son Eco.

Khanh Son Eco thực hiện bán hàng livestream.
Thành viên Khánh Sơn Eco thực hiện livestream bán hàng.

Ông Cao Văn Huy (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, năm 2020, với mong muốn khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm của ĐBDTTS đến người dân trong và ngoài tỉnh, ông đã thành lập cửa hàng bán nông sản của địa phương với thương hiệu Ục Farm tại thị trấn Khánh Vĩnh nhưng không được nhiều người biết đến. Năm 2023, ông đã đầu tư các trang thiết bị, thành lập fanpage riêng để tự livestream quảng bá sản phẩm, nhờ đó doanh thu của cửa hàng tăng vọt, ông mở thêm các điểm bán hàng tại thị trấn Diên Khánh và TP. Nha Trang.

Thời gian qua, UBND tỉnh, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã ban hành nhiều văn bản về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời luôn định hướng các hợp tác xã và người dân vùng ĐBDTTS làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được quảng bá, đăng tải và mua bán trên Sàn thương mại điện tử Khánh Hòa (http://khanhhoatrade.gov.vn/) góp phần tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy kinh tế số tại địa phương. Huyện Khánh Vĩnh cũng chú trọng từng bước khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hình thức bán hàng trên các trang mạng xã hội nhằm góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” của nông sản.

Theo ông Phạm Duy Khánh, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với ứng dụng số, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ các cấp tham gia chuyển đổi số; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh. 

MÃ PHƯƠNG