UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2024. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thái Đài - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết:
Ông Phạm Thái Đài - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
- Việc triển khai rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm xác định, lập danh sách, phân loại chính xác, đầy đủ số liệu, thông tin cơ bản về hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2025. Do đó, việc rà soát phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các cấp hội, đoàn thể và người dân; thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn, đúng tiến độ về thời gian và đảm bảo tính chính xác theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ. Lực lượng rà soát viên là người nắm rõ, thông thạo tình hình dân cư tại địa bàn, trực tiếp đến từng hộ gia đình để quan sát, khảo sát, thu thập thông tin của hộ gia đình. Đặc biệt, kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực trạng đời sống của nhân dân, tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích làm sai thực trạng nghèo của địa phương.
- Xin ông cho biết phạm vi, đối tượng và nội dung rà soát đợt này?
- Phạm vi rà soát được thực hiện tại 136 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả rà soát cuối năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 do UBND cấp xã quản lý và những hộ có khả năng phát sinh nghèo, cận nghèo tại thời điểm rà soát đang sinh sống tại cấp xã. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Nội dung rà soát được thực hiện theo các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều về thu nhập: Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng. Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ cơ bản có 12 chỉ số gồm: Việc làm, người phụ thuộc trong hộ, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Đối với chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025: Về chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Về chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; khu vực thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Về chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 đến 2,25 triệu đồng; ở khu vực thành thị là trên 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Chính quyền địa phương khảo sát thực tế nhà ở của hộ nghèo ở huyện Khánh Vĩnh. |
- Phương pháp, quy trình và thời gian, tiến độ rà soát được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Phương pháp rà soát là khảo sát thông tin thu nhập của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định. Việc rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH. Phương pháp xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình là phương pháp xác định thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình. Rà soát viên trực tiếp đến từng hộ gia đình để thu thập thông tin và ghi các biểu mẫu điều tra theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Quy trình rà soát được thực hiện theo Quyết định số 24 ngày 16-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025; văn bản hợp nhất số 1315 ngày 13-4-2023 của Bộ LĐ-TB-XH về thông tư hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo.
Thời gian rà soát từ ngày 2-9 đến 15-12. Cụ thể, từ ngày 2 đến 10-9, UBND cấp huyện ban hành kế hoạch chi tiết về rà soát, tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát cho cấp xã, điều tra viên, giám sát viên. Từ ngày 11-9 đến 25-11, UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai kế hoạch rà soát đến thôn, tổ dân phố; ban chỉ đạo cấp xã tiến hành rà soát theo đúng quy định; tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ và báo cáo cấp huyện trước ngày 25-10; tổng hợp kết quả rà soát chính thức và báo cáo cấp huyện trước ngày 25-11. Từ ngày 26-10 đến 5-12, UBND cấp huyện tiến hành thẩm định kết quả rà soát do cấp xã báo cáo; báo cáo kết quả chính thức và các biểu mẫu báo cáo theo quy định cho sở trước ngày 5-12. Từ ngày 11-9 đến 12-12, Sở LĐ-TB-XH tiến hành giám sát quá trình rà soát từ khâu lập danh sách đối tượng cần rà soát đến việc thực hiện rà soát, công bố, ra quyết định công nhận hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh; tổng hợp báo cáo kết quả chính thức cho Bộ LĐ-TB-XH, UBND tỉnh trước ngày 15-12.
Để việc rà soát diễn ra đúng quy định, đạt kết quả cao, các sở, ngành, địa phương cần bám sát kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh giao; đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc rà soát; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình, kết quả rà soát…
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin