Sau gần 40 năm tách huyện, niềm mong ước của nhiều thế hệ thiếu nhi huyện Khánh Sơn đã trở thành hiện thực với công trình Nhà Thiếu nhi được xây dựng khang trang bên dòng sông Tô Hạp. Với những tâm huyết, tình cảm của người lớn dành cho thế hệ măng non, ngôi nhà chung ấy sẽ là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, phát hiện tài năng và địa chỉ sinh hoạt ý nghĩa đối với các em nhỏ nơi đây.
Toàn cảnh công trình Nhà Thiếu nhi huyện Khánh Sơn. |
Một thời mong chờ
Cách đây gần 15 năm, mỗi lần có dịp trò chuyện với lãnh đạo của Khánh Sơn, khi nhắc đến việc địa phương chưa có nhà thiếu nhi, chúng tôi luôn nhận được những ánh mắt xa xôi đầy tâm trạng. Điều này cũng dễ hiểu, trong bối cảnh thời bấy giờ, khi huyện miền núi Khánh Sơn còn thiếu rất nhiều công trình điện - đường - trường - trạm; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn... thì việc xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện cho trẻ em vui chơi, học tập được xem là điều xa xỉ. Chúng tôi vẫn còn nhớ lời nói của ông Nguyễn Quốc Thịnh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện: “Ngay sau ngày Khánh Sơn tách ra khỏi huyện Cam Ranh (27-6-1985), trong số rất nhiều công trình phúc lợi công cộng, lãnh đạo huyện đều nghĩ đến việc xây dựng nhà thiếu nhi. Nhưng quả thực, với điều kiện của một huyện miền núi xa xôi, cách trở, có hơn 70% dân số là người Raglai, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của huyện còn nhiều thiếu thốn thì ưu tiên hàng đầu là phải giải quyết được những vấn đề trước mắt. Thế hệ lãnh đạo như chúng tôi đành mắc nợ thiếu nhi huyện về công trình nhà thiếu nhi”.
Cô Nguyễn Ngọc Thùy Ngân hướng dẫn học sinh cách sử dụng đàn đá. |
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nỗi quan ngại trước thực trạng thiếu nhi không có chỗ chơi nên thường vui chơi tự phát tiềm ẩn nguy hiểm, như: Tắm sông, tắm suối, câu cá… Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra từ những hoạt động này. Cũng có phụ huynh thể hiện sự tiếc nuối khi chứng kiến cảnh thiếu nhi có năng khiếu nghệ thuật, thể thao nhưng không có nơi để “ươm mầm, gieo hạt” nên tài năng của các em cũng dần mai một. Một số phụ huynh chấp nhận vất vả, tốn kém để đưa con em mình đến các địa điểm sinh hoạt, bồi dưỡng tài năng ở TP. Cam Ranh, thậm chí là TP. Nha Trang. "Thời đó, muốn cho con em mình đi học các lớp năng khiếu phải rất có điều kiện, còn với những gia đình bình thường cũng chỉ biết cho con đến các lớp học tự mở trên địa bàn huyện tham gia cho vui”, bà Nguyễn Thị Kim (Tổ dân phố Hạp Phú, thị trấn Tô Hạp) cho biết.
Cô Trương Thị Triệu - giáo viên dạy mỹ thuật chia sẻ, trước đây, các em nhỏ ở Khánh Sơn học mỹ thuật chủ yếu từ các tiết học trong nhà trường, khắp huyện không có một lớp dạy vẽ nào để các em theo học. Vậy nên, trong quá trình giảng dạy, tuy phát hiện một số trường hợp có năng khiếu hội họa nhưng việc bồi dưỡng cho những tài năng nhí này gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thời điểm Khánh Sơn chưa có công trình trung tâm văn hóa - thể thao, chưa có nhà thiếu nhi, có ý kiến cho rằng, chỉ nên xây dựng một trong hai công trình này, rồi sinh hoạt ghép với nhau. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tính toán thiệt hơn, đặc biệt là mục đích xây dựng một công trình chuyên biệt dành riêng cho thiếu nhi, tránh những bất cập trong quá trình sử dụng lâu dài nên công trình đã được triển khai. Sau gần 1 năm xây dựng, Nhà Thiếu nhi huyện Khánh Sơn đã được khánh thành, đưa vào hoạt động, thỏa lòng mong đợi của người dân, thiếu nhi trên địa bàn.
Chắp cánh ước mơ
Đến Nhà Thiếu nhi Khánh Sơn, từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe những tiếng hô dõng dạc phát ra từ lớp học võ Vovinam. Trong lớp học sạch sẽ, khang trang, hơn 40 võ sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đang miệt mài tập luyện từng động tác. Huấn luyện viên Hồ Trọng Hiếu cho biết, trước đây, lớp học được mở ở Nhà Thi đấu thể thao huyện nhưng phải học ngoài trời nên chỉ dạy được chủ yếu vào buổi tối, những hôm trời mưa lớp phải nghỉ. Bây giờ có Nhà Thiếu nhi huyện, lớp học được diễn ra trong phòng, không sợ ảnh hưởng bởi thời tiết. Điều kiện cơ sở vật chất tốt sẽ giúp cho việc tập luyện của các võ sinh được hiệu quả hơn.
Ở lớp mỹ thuật, gần 20 em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau chăm chỉ tô, vẽ những bức tranh đủ sắc màu, chủ đề mà các em yêu thích. “Em rất thích học vẽ. Bình thường, em chỉ được học ở trên trường, nhưng nghỉ hè, em xin bố mẹ cho đến đây để học. Em sẽ cố gắng học thật tốt để vẽ được nhiều bức tranh đẹp”, em Mấu Thị Kiều Duyên (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Sơn Hiệp) chia sẻ.
Các thiếu nhi chăm chú luyện từng nét vẽ tại lớp mỹ thuật. |
Ở lớp học âm nhạc, chúng tôi ấn tượng với những bộ đàn đá, đàn T’rưng được đặt bên cạnh những chiếc đàn organ còn mới. Trong lớp học, cô giáo Nguyễn Ngọc Thùy Ngân đang dạy cho học sinh cách sử dụng đàn đá của đồng bào Raglai. “Lớp âm nhạc có rất nhiều em đăng ký theo học. Ở đây, các em sẽ được tìm hiểu về các loại nhạc cụ, kiến thức âm nhạc từ cơ bản nhất. Khi đã nắm được những kiến thức cơ bản, các em có thể theo học đàn piano, đàn organ, đàn đá, đàn T’rưng… Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng mở thêm các lớp sử dụng nhạc cụ dân tộc dành cho thiếu nhi để tìm kiếm, bồi dưỡng những hạt nhân cho hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống ở địa phương”, cô Ngân cho biết.
Theo chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn, sau một tháng đi vào hoạt động, Nhà Thiếu nhi huyện đã mở được 7 lớp, gồm: Mỹ thuật, âm nhạc, nhảy hiện đại, Aerobic, Vovinam, tiếng Anh, luyện chữ đẹp, với hơn 300 em từ mẫu giáo đến lớp 12 theo học. Hiện tại, Nhà Thiếu nhi huyện đang trong quá trình tiếp tục trang bị cơ sở vật chất cho các lớp học để đáp ứng tốt nhu cầu của thiếu nhi. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự, thu hút thêm đội ngũ giáo viên đến dạy các lớp. Sau khi nhà thiếu nhi hoạt động ổn định, nơi đây sẽ là địa điểm để tổ chức các hoạt động đội, thiếu nhi. Huyện đoàn cũng đã có kế hoạch vận động các nguồn lực để hỗ trợ thêm những hạng mục vui chơi trong khuôn viên nhà thiếu nhi; trồng thêm cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp...
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, hoan nghênh lãnh đạo huyện Khánh Sơn cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều cố gắng để hỗ trợ Nhà Thiếu nhi huyện Khánh Sơn hoàn thành đúng tiến độ và đi vào hoạt động. Đây là công trình rất có ý nghĩa để thiếu nhi Khánh Sơn có nơi vui chơi, sinh hoạt, học tập và tiến kịp với thiếu nhi vùng đồng bằng. Địa phương cần khai thác, sử dụng công trình đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và sớm bắt nhịp với hệ thống nhà thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Công trình Nhà Thiếu nhi huyện Khánh Sơn có tổng diện tích sử dụng 11.024m2, thiết kế với khối nhà chính 2 tầng, có sân khấu, khu vui chơi giải trí, nhiều phòng chức năng như: Phòng triển lãm, phòng đọc sách, thư viện, các phòng học tập... với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ đồng.
GIANG ĐÌNH - VĨNH THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin