Bệnh viện Ung bướu tỉnh Khánh Hòa vừa tiếp nhận kỹ thuật đốt sóng cao tần điều trị bướu tuyến giáp từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, có nhiều ưu điểm, bảo vệ tối ưu sức khỏe cho người bệnh.
Nhiều ưu điểm
Trong ngày chuyển giao kỹ thuật (ngày 10-8), có 6 bệnh nhân bị bướu tuyến giáp ở Khánh Hòa được điều trị bằng kỹ thuật này, trong đó có chị Lê Thị Thu Qua (30 tuổi, thị xã Ninh Hòa). Chị Qua cho biết, cách đây 2 tháng, chị thấy khó nuốt, nuốt vướng, có cảm giác tắc nghẹn nên đi khám bác sĩ. Qua khám, chị Qua được chẩn đoán bị bướu tuyến giáp nên vào Bệnh viện Ung bướu tỉnh để điều trị. Tại đây, chị được bác sĩ tư vấn điều trị bướu tuyến giáp bằng phương pháp đốt sóng cao tần. Trước khi điều trị, chị có tìm hiểu về phương pháp này và thấy có nhiều ưu điểm nên rất an tâm. Ông Nguyễn Đình Hàn (60 tuổi, TP. Nha Trang) cho biết, cách đây 1 năm, ông có đi khám và được chẩn đoán bị bướu tuyến giáp lành tính. Do chủ quan, đợt này ông Hàn mới đi tái khám nên phát hiện có thêm 2 bướu mới. Theo tư vấn của bác sĩ, ông Hàn quyết định điều trị bằng phương pháp đốt sóng cao tần tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh.
Các bác sĩ siêu âm cho bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật đốt sóng cao tần. |
Theo bác sĩ chuyên khoa II Trương Vương Vũ - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu tỉnh, bướu tuyến giáp (bao gồm cả lành tính và ác tính) là tình trạng thay đổi cấu trúc - hình thái của tuyến giáp. Tỷ lệ nữ mắc bệnh này nhiều gấp 4 - 5 lần nam giới. Đa số bướu tuyến giáp là lành tính (chiếm khoảng 95%) và không cần can thiệp. Tuy nhiên, một số bướu tuyến giáp phát triển nhanh gây chèn ép các mô, cấu trúc vùng họng và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Trước đây, phẫu thuật mổ hở hay phẫu thuật nội soi được xem là phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh lý này. Tuy nhiên, nhược điểm của phẫu thuật hở có thể gây chảy máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng, thiếu hụt hormon tuyến giáp sau mổ, để lại sẹo; với mổ nội soi gây hội chứng đường hầm nách. Kỹ thuật đốt sóng cao tần có thể khắc phục được một số nhược điểm của phẫu thuật hở và nội soi. Đây là phương pháp hiện đại, xâm lấn tối thiểu, ít để lại sẹo, hiệu quả điều trị cao; thời gian nằm viện ngắn; gây tê tại chỗ nên mức độ an toàn cao. Đồng thời, bảo toàn tối đa các mô giáp lành; hạn chế thấp nhất nguy cơ sốc, biến chứng dây thần kinh quặt ngược. Bệnh nhân có thể về nhà và theo dõi ngay sau phẫu thuật vài giờ… Đây là lý do Bệnh viện Ung bướu tỉnh rất muốn tiếp nhận và triển khai sớm kỹ thuật này bởi nó giúp bảo tồn sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Sẽ sớm triển khai độc lập
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân - Phó Trưởng bộ môn phẫu thuật lồng ngực tim mạch, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh - người chuyển giao trực tiếp phương pháp cho biết, đốt sóng cao tần bướu tuyến giáp là một kỹ thuật mới, hiện đại được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Phương pháp này phá hủy khối u bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô tế bào dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh. Tùy vào trường hợp bệnh, thời gian thực hiện từ 30 phút đến 1 giờ. Bệnh viện Ung bướu tỉnh được xây mới, cơ sở vật chất, máy móc được đầu tư hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề nên việc tiếp nhận kỹ thuật diễn ra thuận lợi và nhanh. Dự kiến, sau khoảng 3 đợt chuyển giao, đội ngũ y, bác sĩ ở đây có thể triển khai độc lập được kỹ thuật này. Ở kỹ thuật này, bệnh nhân có bướu tuyến giáp lành tính đều thực hiện được. Tùy theo kích thước, việc triển khai đốt có thể từ 1 đến 5 lần.
Bác sĩ Trương Vương Vũ khuyến cáo, sau điều trị, bệnh nhân nên tái khám định kỳ. Tùy theo từng bệnh, tuổi tác, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn hướng dẫn cách phòng bệnh phù hợp.
Việc triển khai kỹ thuật đốt sóng cao tần điều trị bướu tuyến giáp tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh góp phần giúp cho bệnh nhân ở tỉnh và các tỉnh lân cận được hưởng các dịch vụ y tế hiện đại của tuyến Trung ương tại tỉnh; đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin