Qua giám sát, đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh (tổ chức giám sát trong tháng 6) đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về ATTP thời gian qua; từ đó đề nghị một số giải pháp để tăng cường quản lý ATTP.
Đoàn khảo sát tại Trường Mầm non Phước Long (TP. Nha Trang). |
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Nhận thức của người dân về bảo đảm ATTP đã có chuyển biến rõ rệt; vấn đề ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ, với 509 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các vụ việc vi phạm về ATTP xảy ra với mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều người. Qua kết quả xử lý cho thấy, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng dân cư.
Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết, đoàn giám sát đã xác định một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua, như: Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế; còn tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và cả người quản lý về đảm bảo ATTP. Công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quản lý ATTP ở các địa phương chưa được thường xuyên, chưa có mô hình tổ chức quản lý ATTP; hoạt động của nhiều ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt ở tuyến xã. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là đối với thực phẩm tươi sống; việc quản lý ATTP căn cứ chủ yếu vào hồ sơ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, qua cam kết của người sản xuất, kinh doanh đối với đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nhiều, lượng thực phẩm sản xuất ra chiếm thị phần lớn nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề tồn tại trong công tác quản lý ATTP chậm được giải quyết, như: Vấn đề thực phẩm đường phố, hạ tầng kinh doanh thực phẩm tại các chợ dân sinh, hoạt động bán hàng online…; việc điều tra, đánh giá, dự báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm còn chưa được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong chủ động ứng phó với mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm ATTP, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm. Qua báo cáo từ các vụ việc đã xảy ra thì hầu như việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay không thực hiện được nên khi có sự cố ngộ độc thực phẩm rất khó truy xuất được nguồn gốc và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Việc phổ biến, hướng dẫn Phương án số 2727 ngày 23-3-2023 của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP về ứng phó với ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn bất cập. Qua khảo sát hầu như các cơ sở và các cơ quan quản lý ATTP vẫn lúng túng trong triển khai thực hiện, thậm chí nhiều đơn vị chưa biết đến Phương án ứng phó với ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Phạm Thị Xuân Trang, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý. Cùng với đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 44 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, cụ thể là: Chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; có giải pháp phù hợp nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP và triển khai các giải pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý. Tỉnh cần xây dựng phương án khuyến khích phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; tăng cường trách nhiệm phối hợp của các ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
BÌNH AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin