Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở khu vực miền núi, nhất là lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) nghèo, cận nghèo đã được huyện Khánh Sơn chú trọng triển khai theo hướng giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả tích cực từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.
Có việc làm sau khi học nghề
Sau khi tham gia học nghề xây dựng tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn, anh Mấu Xuân Thế (thôn Ma O, xã Sơn Trung) tham gia vào nhóm thợ chuyên đi xây dựng nhà ở cho người dân trong và ngoài xã. Anh Thế chia sẻ: “Nhà mình thuộc diện hộ nghèo, trước đây chỉ đi cắt keo, bóc keo thuê, thu nhập chỉ được khoảng 200.000 đồng/ngày, công việc lại bấp bênh, lúc có lúc không. Biết Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn tổ chức các lớp đào tạo nghề, mình đã đăng ký học nghề xây dựng, ra trường được 2 năm nay. Thời gian gần đây, các địa phương trên địa bàn huyện làm rất nhiều nhà ở cho hộ nghèo nên nhóm thợ chúng tôi có công việc thường xuyên, thu nhập mỗi ngày 400.000 đồng. Nhờ học nghề mà nay mình đã có công việc, thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều”.
Thanh niên dân tộc thiểu số xã Sơn Trung có việc làm ổn định sau khi học nghề xây dựng. |
Tại xã Sơn Hiệp, việc tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tham gia học nghề được địa phương chú trọng. 5 năm qua, trên địa bàn xã có 54 thanh niên tham gia học may, trong đó 29 người đã đi làm cho các công ty may ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cam Ranh, với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Gần đây, xã có 30 người được đào tạo nghề xây dựng, trong đó 25 người đã tham gia vào các tổ đội đi xây những công trình nhà ở trên địa bàn huyện, được trả công 400.000 đồng/ngày. Với thế mạnh phát triển cây ăn quả, xã còn vận động được 70 người tham gia các lớp học nghề trồng sầu riêng, hồ tiêu; qua đó đã áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc hiệu quả vườn cây của gia đình. Trên địa bàn xã còn có 80 thanh niên DTTS nghèo đã tham gia lớp nghiệp vụ nhà hàng khách sạn. Đến nay, có 15 em đã có việc làm tại các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh, với thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông Đỗ Như Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn chia sẻ: Những năm qua, bên cạnh tổ chức đào tạo, nhà trường còn chú trọng giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Theo đó, trường đã chủ động ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, có 90 học viên đã vào làm việc tại Công ty TNHH Xây dựng Phương Đài (huyện Khánh Sơn) và các doanh nghiệp xây dựng khác trên địa bàn; 76 học viên vào làm việc tại 1 công ty may ở TP. Hồ Chí Minh; 65 học viên đã vào làm việc tại các nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện… Ngoài ra, nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã tự tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.
Góp phần giảm nghèo bền vững
Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 35 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 1.072 học viên, chủ yếu là con em ĐBDTTS nghèo. Công tác đào tạo nghề của địa phương được thực hiện theo hướng chú trọng đào tạo kỹ năng, cầm tay chỉ việc để người học dễ nắm bắt kiến thức; các nghề được tổ chức đào tạo đều phù hợp với nhu cầu, trình độ của người học và gắn với giải quyết việc làm trước mắt cũng như định hướng cho việc làm của những năm tới.
Qua rà soát của UBND huyện, cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 80,89%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,7%; số lao động có việc làm tăng thêm hàng năm gần 500 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc quan tâm, chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh. Theo đó, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.429 hộ nghèo, chiếm 31,63% tổng số hộ dân; dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 22,99%.
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, thời gian qua, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là con em ĐBDTTS nghèo, cận nghèo. Nhận thức về việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn đã có nhiều thay đổi, người lao động đã chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã có việc làm ổn định. Việc triển khai tốt công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương, chuyển dịch cơ cấu lao động trong hộ nghèo vùng ĐBDTTS trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững để sớm đưa huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin