Cuối tháng 5-2024, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Với những chính sách hỗ trợ của thành phố sẽ giúp người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, thu nhập tốt hơn. Qua đó, đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đảm bảo lợi ích cho người dân
Thực hiện quy hoạch chung của TP. Cam Ranh, trên địa bàn thành phố triển khai nhiều dự án lớn, như: Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh; Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; Khu dân cư Phú Lộc; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng… Các dự án này được triển khai sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao vị thế, mức sống của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đào tạo nghề nghiệp vụ nhà hàng tại Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh. |
Qua thống kê, tổng hợp của các xã, phường có lao động bị thu hồi đất thuộc các dự án trên địa bàn thành phố, dự kiến số người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng theo quy hoạch là 24.072 người. Trong đó, chỉ có 26,41% lao động từ 15 đến 50 tuổi đã qua đào tạo và có bằng cấp chứng chỉ. Từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, thực trạng lao động trong độ tuổi có trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp rất ít. Với lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâu nay đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo việc làm nhưng thu nhập thấp và bấp bênh. Do đó, khi dự án triển khai sẽ có nhiều thay đổi, đòi hỏi lao động phải có tay nghề, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
Ông Ngô Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP. Cam Ranh được định hướng phát triển trở thành đô thị du lịch và logistics nên trên địa bàn thành phố triển khai nhiều dự án lớn. Trong quá trình triển khai các dự án, thành phố và các nhà đầu tư cam kết đảm bảo lợi ích cho nhân dân là trên hết, trước hết. Mỗi dự án được triển khai sẽ mở ra cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Thời gian tới, cơ cấu lao động của thành phố sẽ chuyển dịch mạnh từ khu vực nông - lâm - ngư nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại. Do đó, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng để giải quyết việc làm chuyển đổi nghề nghiệp được thành phố tập trung ở các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch và nhà hàng - khách sạn.
Nhiều mô hình hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề
Trên cơ sở thực trạng lao động, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thành phố sẽ thực hiện tư vấn học nghề, xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể cho lao động bị ảnh hưởng dựa trên 6 mô hình hỗ trợ đào tạo gắn với địa chỉ việc làm. Trong đó, với lao động 16 - 25 tuổi, tùy theo trình độ học vấn sẽ hỗ trợ học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các ngành nghề: Thương mại - dịch vụ, du lịch - nhà hàng - khách sạn, chế biến, cơ khí, dệt may, điện - điện tử. Với lao động 26 - 35 tuổi, tập trung hỗ trợ đào tạo ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đối với các ngành nghề phi nông nghiệp. Lao động 35 - 50 tuổi, hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các ngành nghề: Dịch vụ, nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, nhà hàng - khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao. Với lao động từ 50 tuổi trở lên, sẽ thực hiện mô hình sinh kế dựa vào phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ. Tùy theo địa bàn tái định cư của người dân sẽ chọn lựa ngành nghề chuyển đổi phù hợp.
Đào tạo nghề điện lạnh cho người lao động TP. Cam Ranh. |
Để mở rộng kênh giải quyết việc làm cho người dân, thành phố thực hiện mô hình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với thanh niên 26 - 35 tuổi. Trên cơ sở trình độ, nhu cầu, thành phố tiến hành hỗ trợ tư vấn, tổ chức đào tạo các nghề phù hợp và đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng về thị trường lao động của quốc gia dự kiến đi lao động theo hợp đồng cho người dân. Đối với lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố áp dụng mô hình hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm dựa trên căn cứ vào độ tuổi lao động và trình độ học vấn theo các mô hình nêu trên. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư các dự án ưu tiên tạo việc làm phù hợp tại chỗ; ưu tiên tạo việc làm tại các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sau khi được đào tạo nghề cho người dân.
Trong quá trình học nghề, ngoài được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, người dân còn được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại và chủ đầu tư dự án hỗ trợ thêm sinh hoạt phí cho người dân. Về hỗ trợ tìm kiếm việc làm, người lao động sẽ được tư vấn, kết nối việc làm miễn phí với các doanh nghiệp; được ưu tiên bố trí việc làm tại chỗ. Đồng thời, được hỗ trợ vay vốn để tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức tối đa 100 triệu đồng/người. Những lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí, vốn vay theo các quy định hiện hành…
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin