23:11, 25/06/2024

Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Cam Ranh lần thứ IV  
Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

VĂN KỲ

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị TP. Cam Ranh nỗ lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Nâng cao đời sống người dân

Cam Ranh có 11 DTTS sinh sống, với 2.610 hộ, 10.588 nhân khẩu, chiếm 7,2% dân số toàn thành phố, trong đó chủ yếu là dân tộc Raglai, sống tập trung thành cộng đồng tại xã Cam Thịnh Tây, thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông), thôn Quảng Phúc (xã Cam Thành Nam) và Tổ dân phố Phúc Sơn (phường Cam Phúc Nam). Từ năm 2019 đến nay, UBND TP. Cam Ranh đã tập trung triển khai chính sách vay vốn phát triển sản xuất cho 219 hộ ĐBDTTS từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động; triển khai xây dựng 145 mô hình chăn nuôi dê sinh sản cho 145 hộ ĐBDTTS nghèo và cận nghèo ở các xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông và phường Cam Phúc Nam với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người DTTS trên địa bàn với 304 học viên tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 900 triệu đồng. Đa số học viên DTTS tham gia đào tạo là người đã đi làm, tham gia học với mục đích nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng nghề để có thu nhập cao hơn.

Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh trao nhà tình nghĩa cho người nghèo ở xã Cam Thịnh Tây.
Lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh trao nhà tình nghĩa cho người nghèo ở xã Cam Thịnh Tây.

Theo ông Mang Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, nhờ có sự định hướng ngay từ đầu của cơ quan chuyên môn thành phố nên người dân đã lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Từ năm 2021 đến nay, UBND xã đã cấp phát cho 115 hộ nghèo, hộ cận nghèo 345 con dê với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Tính đến nay, đàn dê trên địa bàn xã đã phát triển lên 715 con và bước đầu tạo thu nhập cho người nuôi. Mô hình nuôi dê đã từng bước giúp các hộ ĐBDTTS có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có 105 hộ đã thoát nghèo và 5 hộ thoát cận nghèo.

UBND TP. Cam Ranh tổ chức lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ mã la cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Phước Đông vào năm 2023.

Ông Ngô Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, những năm qua, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2019 - 2024, tổng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn thành phố hơn 110 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của chương trình, UBND thành phố còn huy động các nguồn lực khác cho đầu tư, phát triển. Đến nay, 100% thôn thuộc vùng ĐBDTTS có đường vào khu sản xuất được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường học và trạm y tế vùng ĐBDTTS được xây dựng kiên cố; 100% hộ ĐBDTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác phù hợp... Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; các chính sách an sinh xã hội luôn được quan tâm thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng ĐBDTTS được giữ vững, ổn định.

Lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ song chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng ĐBDTTS với mặt bằng chung của thành phố chậm được thu hẹp; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động DTTS gặp nhiều khó khăn; việc đào tạo nghề tuy được quan tâm nhưng chưa thật sự hiệu quả; trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, sản xuất theo tập quán cũ, lạc hậu, chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất…

Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thời gian tới, thành phố xác định lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của địa phương, tiến tới hình thành các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất chuỗi, hỗ trợ giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ, ứng dụng các mô hình phát triển sản xuất cao hiệu quả; giải quyết cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nguồn điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân vùng ĐBDTTS theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, tạo sự thay đổi cơ bản đối với vùng ĐBDTTS; huy động các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, đường nội đồng phục vụ sản xuất và các tuyến đường cấp thiết khác.

TP. Cam Ranh đặt mục tiêu đến năm 2029: Thu nhập bình quân của ĐBDTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm xuống dưới 5%; có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu có 80% số hộ nông dân DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; hơn 85% số xã, thôn vùng ĐBDTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

VĂN KỲ