Tuy việc thắt băng buông, làm quạt lá đem lại thu nhập không cao nhưng đã giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ lúc nông nhàn.
Tại xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa), nghề thắt băng buông đã có cách đây hơn 30 năm. Khi đó, nhiều gia đình làm công việc này kết hợp làm giỏ lác, quạt lá, giỏ xách, mũ lác… để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống thay đổi, những sản phẩm từ lá buông ít được sử dụng hơn. Vì vậy, người làm nghề này giảm đi đáng kể. Hiện nay, còn một số gia đình ở các thôn: An Bình, Bình Trị, Tân Thành… vẫn giữ được nghề. Ông Đặng Văn Nhuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Bình cho biết, công việc này tạo điều kiện cho chị em làm thêm lúc rảnh rỗi, nông nhàn để tăng thêm thu nhập. Trước đây, người dân địa phương thường lên núi chặt đọt non của cây lá buông mang về phơi khô, tước lá thành từng sợi rồi thắt lại với nhau tạo thành những băng buông. Hiện nay, nguồn lá này được khai thác ở các tỉnh khác chở về bán cho các đại lý. Sau đó, đại lý phân phối cho người dân để làm. Khi làm xong, các đại lý thu mua và thanh toán tiền cho người dân. Những băng buông này dùng để làm mũ, giỏ xách… phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Sợi lá được tỉa gọn hai đầu trước khi dùng thắt băng buông. |
Chúng tôi đến một số gia đình ở thôn An Bình để tìm hiểu thêm về nghề. Người dân cho biết, công việc này được làm thủ công hoàn toàn. Khi chặt lá tươi về phải phơi đủ nắng, đủ sương (khoảng 3 ngày 3 đêm) thì lá mới mướt, cho ra màu đẹp. Lá sau khi phơi được xé thành từng nhánh riêng. Người dân tước lá bằng một dụng cụ bằng gỗ, phía trên có gắn các lưỡi dao lam cách nhau. Người làm đưa từng nhánh lá vào dụng cụ tước lá, kéo ra thành từng sợi, tỉa gọn hai đầu. Sau đó, mới sử dụng sợi lá để thắt thành những băng buông, rồi cuộn lại thành vòng. Để mẫu mã phong phú, người dân nhuộm lá với nhiều màu khác nhau như: Đỏ, xanh, vàng… Theo bà Nguyễn Thị Tuốt (sinh năm 1964), học thắt không khó nhưng để làm nhanh thì phải trải qua thời gian rèn luyện. Khi thắt thành thục rồi không nhìn vào những sợi lá người làm vẫn có thể thực hiện đều tay. Còn bà Võ Thị Ngọc Mai (sinh năm 1964) cho biết, bà làm công việc này đã hơn 30 năm. “Công việc này làm nhiều sẽ quen tay nên vừa trò chuyện, xem ti vi vừa làm. Mỗi ngày, tôi thắt khoảng 5 đến 6 cuộn, đại lý thu mua với giá 3.000 đồng/cuộn dài 12m. Vì thu nhập thấp nên nhiều người không làm nữa. Tuy nhiên, công việc này có thể làm quanh năm nên tôi nhận lá buông về làm kiếm thêm thu nhập”, bà Mai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan thu mua băng buông với nhiều mẫu mã, màu sắc khác nhau. |
Làm đại lý phân phối lá buông và thu mua sản phẩm đã hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (sinh năm 1971) cho biết, mỗi tháng, cơ sở của bà phân phối từ 1 đến 2 tấn lá buông đã phơi khô cho khoảng 20 chị em ở các xã, phường như: Ninh Phụng, Ninh Xuân, Ninh Phú, Ninh Giang, Ninh Bình… (Ninh Hòa) để thắt băng buông. Tùy theo mẫu mã, kích cỡ, bà thu mua sản phẩm với giá từ 300 đồng đến 1.500 đồng/m.
Bà Nguyễn Thị Kiều Loan làm quạt theo đơn đặt hàng. |
Ngoài ra, tại xã Ninh Bình, người dân còn có nghề làm quạt lá. Chúng tôi ghé vào gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Loan (sinh năm 1972) khi vợ chồng bà đang tất bật làm quạt lá theo đơn đặt hàng. Bà Loan đã làm quạt 40 năm nay. Quạt có kích thước từ 12 đến 40cm, với giá bỏ sỉ 2.400 - 5.000 đồng/chiếc. Bà mua cây lá tươi với giá 1.000 đồng/cây rồi đem phơi đủ nắng, đủ sương để lá có độ mềm phù hợp. Sau đó, xé từng nhánh lá ra rồi tạo dáng quạt, đan và sau cùng quấn cán. Đôi tay thoăn thoắt, bà đan hết chiếc này đến chiếc khác, còn chồng bà phụ trách làm cán quạt. Công việc này thường làm từ tháng Giêng đến tháng 7 và từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. “So với thắt băng buông thì làm quạt có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, công việc này rất cực vì phải ngồi làm từ 3 giờ đến 19 giờ mới được khoảng 100 chiếc, chưa kể thời gian phơi lá, vì vậy nhiều người không trụ nổi. Với thu nhập cả vợ chồng 240.000 - 500.000 đồng/ngày, gia đình tôi cũng có tiền trang trải cuộc sống nên vẫn tiếp tục theo nghề”, bà Loan tâm sự.
CHÂU TƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin