20:26, 07/05/2024

Ngôi nhà chung của người khuyết tật

C.ĐAN

Được sự hỗ trợ tích cực của Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh, thời gian qua, nhiều hội viên đã nỗ lực học nghề, tìm kiếm việc làm, tự lực cánh sinh. Hội thực sự là ngôi nhà chung để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Lâu thực hiện 
các công đoạn cho việc trồng nấm.
Ông Nguyễn Văn Lâu thực hiện các công đoạn cho việc trồng nấm.

Bước sang trang mới

Chúng tôi có mặt tại Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh nằm ở xã Diên Phú (huyện Diên Khánh). Trên chiếc xe máy độ lại dành cho người khuyết tật, ông Nguyễn Sáu - Thường trực Ban Chấp hành hội đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Lâu (thôn Lương Phước, xã Bình Lộc, Diên Khánh) - thành viên của hội. Ông Sáu kể, ông Lâu tham gia hội cách đây 8 năm. Trong một lần tới thăm nhà hội viên, thấy ngôi nhà bằng vách đất, mái tranh của ông Lâu đã xuống cấp, Ban Chấp hành hội chạy ngược, chạy xuôi vận động hỗ trợ 80 triệu đồng xây mới nhà ở và nhà trồng nấm cho ông Lâu.

Khi chúng tôi đến, ông Lâu đang ở chái phía sau nhà đóng rơm vào khuôn để trồng nấm. Nhìn ông thoăn thoắt làm việc, hết hoàn thành khuôn này lại đến khuôn khác, rồi đưa đi nhúng, hấp trước khi cấy giống..., ít ai biết rằng để hoàn thành những công đoạn như thế ông chỉ làm bằng 1 tay. Ông Lâu kể, hồi nhỏ, trong một lần đi học về, ông bị sốt cao. Sau cơn sốt, tay phải mất dần cảm giác rồi liệt hẳn. Mang mặc cảm là người khuyết tật nên ông sống lay lắt, không có việc làm ổn định. Đến khi bước vào tuổi 30, ông mới được một người họ hàng chỉ cho nghề trồng nấm. Tuy nhiên, do không có tiền đầu tư nên quy mô nhà nấm lúc đó khá nhỏ, chỉ 24m2. Sau khi được hội hỗ trợ xây mới, nhà trồng nấm của ông mở rộng lên 60m2. Từ sự giúp đỡ của hội, ông Lâu tăng quy mô trồng lên gấp đôi, gấp ba. Hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, thu nhập bình quân hàng tháng từ nhà nấm khoảng 4 - 5 triệu đồng, giúp ông ổn định cuộc sống. “Nhờ sự hỗ trợ của hội mà cuộc sống của tôi bước sang trang mới, không chỉ cuộc sống ổn định hơn mà còn giúp tôi tự tin, không còn mặc cảm như xưa. Tôi dự định mở ra trồng nấm ở nơi khác”, ông Lâu khoe.

Được sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh, 
ông Võ Ngọc Châu mua sắm được nhiều thiết bị sửa điện lạnh 
phục vụ công việc.
Được sự hỗ trợ của Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh, ông Võ Ngọc Châu mua sắm được nhiều thiết bị sửa điện lạnh phục vụ công việc.

Ông Võ Ngọc Châu (thôn Tây 1, xã Diên Sơn) bị cơn bạo bệnh lấy đi đôi chân khỏe mạnh từ nhỏ. Để bớt phần gánh nặng cho gia đình, đến tuổi 29, ông Châu xin bố mẹ cho theo học nghề sửa chữa điện tử. Sau khi học xong, ông nhận hàng sửa chữa tại nhà. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông chỉ mua sắm được những dụng cụ sửa chữa thô sơ, sử dụng sức tay nhiều dẫn đến chất lượng không cao, ít người mang máy tới sửa. Năm 2017, ông Châu tham gia vào hội. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của ông, Ban Chấp hành hội đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ ông 2 đợt gần 10 triệu đồng để mua sắm máy bắn vít, máy hơi, máy đo nhiệt, máy hàn… Có máy móc hỗ trợ, chất lượng sửa chữa tốt hơn, giá cả phải chăng nên ông có nhiều khách hàng hơn trước. Ông Châu xúc động nói: “Nhờ sự hỗ trợ của hội, cuộc sống của tôi tốt hơn trước, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, so với trước kia tăng gần gấp 3 lần. Tôi rất vui vì đã tự nuôi sống mình, đỡ bớt gánh nặng cho cha mẹ”.  

Tàn nhưng không phế

Tuy cái nóng hầm hập giữa trưa như thiêu đốt đổ xuống những mái nhà ở thôn Trung 3 (xã Diên Điền, Diên Khánh), nhưng trong ngôi nhà cấp 4, ông Nguyễn Báu với đôi chân bị cắt cụt tới đầu gối vẫn cần mẫn hơ đốt, uốn những cây trúc dài dùng làm cần câu để đủ số lượng hàng gửi cho người mua. Ông Báu kể, trước đây, cuộc sống của vợ chồng ông dư giả với nghề trồng trọt và sửa máy. Năm 1993, ông mắc bệnh viêm tắc tĩnh mạch, từ đó đôi chân mất cảm giác và teo dần. Sau thời gian chữa trị, ông phải cắt cụt chân phải mới giữ được mạng sống. 5 năm sau, chân còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự và phải cắt cụt. “Hồi đó, tôi chỉ muốn buông xuôi cuộc đời. May nhờ gia đình động viên, rồi được người bạn chỉ cho nghề gia công uốn cần câu nên tôi mới khuây khỏa, nhưng cũng làm với tâm trạng sống qua ngày. Năm 2015, tôi tham gia vào hội, được hỗ trợ 10 triệu đồng làm giàn sắt phơi trúc. Nhờ có giàn sắt nên lượng trúc tôi phơi không bị hư hại như phơi dưới đất. Có sự động viên của Ban Chấp hành hội, tôi mua nhiều trúc hơn, hàng làm chất lượng nên làm tới đâu khách lấy tới đó”, ông Báu khoe. Không chỉ ổn định cuộc sống, vợ chồng ông còn tích góp và xây được căn nhà mới vào năm 2022.

Ông Lưu Hồng Thơ
 pha cà phê cho khách.
Ông Lưu Hồng Thơ pha cà phê cho khách.

Ông Lưu Hồng Thơ (46 tuổi, xã Bình Lộc) bị cú sốc lớn khi tai nạn lao động cướp đi đôi tay của mình, người vợ thấy ông bị tật nguyền đã bỏ đi. Mặc cảm vì đôi tay tật nguyền cùng nỗi đau bị bỏ rơi, ông nghĩ mình không thể vượt qua được. Thời gian trôi qua, vết thương trong tâm lành dần, được sự động viên của gia đình, ông mở tiệm bán nước đầu ngõ để tự nuôi sống bản thân. Nhưng mở bán được vài tháng, cơn bão số 12 năm 2017 phá tan quán nước của ông. Năm 2018, với sự hỗ trợ 10 triệu đồng từ Hội Người khuyết tật huyện, ông thuê ki-ốt ở chợ mở bán cà phê, dần tích lũy vốn bán thêm bia, nước ngọt và các loại bánh. Nhờ nhanh nhẹn, ông ngày càng buôn may bán đắt, cưới được người vợ cùng thôn. Ông Thơ khoe: “Tôi mới được hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ 25 triệu đồng để mua xe mới chở hàng. Nhờ hội, nhờ những nhà hảo tâm, tôi tuy “tàn” đôi tay nhưng không trở thành người “phế” trong xã hội”.

Chỗ dựa của người khuyết tật

Ông Đinh Công Thạnh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh cho biết, hội được thành lập từ năm 2013, tiền thân từ Câu lạc bộ Người khuyết tật huyện. Hiện nay, hội có gần 180 thành viên. Từ khi thành lập tới nay, thông qua việc vận động nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hội đã kết nối giúp hội viên nhận được tài trợ tham gia các dự án đào tạo nghề như: Sản xuất đũa tre, chạm khắc gỗ mỹ nghệ, xây nhà tiền chế, hỗ trợ dụng cụ sửa xe Honda, sản xuất ốc mỹ nghệ…; đồng thời trợ giúp kinh phí tạo việc làm. Ngoài ra, hội còn thực hiện nhiều công tác từ thiện xã hội khác như: Vận động tài trợ xe lăn, xe lắc; phối hợp xây nhà cho người khuyết tật… Tổng trị giá hoạt động thiện nguyện của hội hàng năm từ 300 triệu đến gần 1 tỷ đồng. “Thông qua kết nối của hội, đã có 10 cặp vợ chồng người khuyết tật nên đôi”, ông Thạnh khoe.

Ban Chấp hành hội đều là những người khuyết tật, như ông Đinh Công Thạnh bị lưng gù do chứng vẹo cột sống từ nhỏ, ông Nguyễn Sáu mất một chân do tai nạn lao động, ông Phan Ra bị dị tật bàn tay… Tuy thế, với tấm lòng thiện nguyện, hàng ngày, các thành viên Ban Chấp hành hội rong ruổi khắp nơi, vận động tài trợ để giúp đỡ các hội viên vươn lên. Ông Thạnh trải lòng: “Đồng cảnh ngộ nên chúng tôi hiểu được những khó khăn, vất vả, sự tự ti, mặc cảm của hội viên. Chính vì thế, dù có vất vả đến đâu, chúng tôi cũng nỗ lực duy trì tốt hoạt động của hội để kết nối những mảnh đời khiếm khuyết, là cầu nối, tạo điều kiện cho người khuyết tật có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển kinh tế, trở thành người có ích cho xã hội”.

Chia tay với các thành viên của hội, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân chung sức giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

C.ĐAN