21:40, 31/01/2024

Tết của hậu phương người lính đảo

HÒA TRANG

Tuy chồng không thể đón Tết cùng gia đình vì làm nhiệm vụ nơi đảo xa nhưng những người vợ của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa luôn động viên và san sẻ, giúp đỡ nhau để cùng chuẩn bị cho cái Tết đầy ấm áp, yêu thương.

Chúng tôi đến Khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh (TP. Cam Ranh) - nơi có các gia đình của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại huyện đảo Trường Sa vào những ngày cuối tháng Chạp. Những ngày cuối năm, các chị em đang tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón Tết Giáp Thìn 2024. Tại căn chung cư đang thuê ở tòa nhà N5, chị Tô Thị Minh Hoa (sinh năm 1993) đã dựng một góc Tết với tông màu đỏ cùng lồng đèn, quạt đỏ kỳ lân, hoa mai, chiếc bàn nhỏ trải tấm vải họa tiết con công, bình hoa cành đào đông, câu đối đỏ… từ đầu tháng Chạp. Chị Hoa cho biết, góc Tết không chỉ để 3 mẹ con và hàng xóm có nơi chụp ảnh, mà còn cho con hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc.

Chị Hoa cùng con trai lớn trang trí góc Tết cho căn nhà thêm xuân.
Chị Tô Thị Minh Hoa cùng con trai lớn trang trí góc Tết cho căn nhà thêm xuân.

Chồng chị Hoa là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Ngọc Tân, vừa đi công tác ở thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa) vào đầu tháng 12-2023. Đây là năm đầu tiên chị đón Tết mà không có chồng bên cạnh. Dù gia đình thiếu vắng người đàn ông trụ cột nhưng chị vẫn chuẩn bị đầy đủ từ các loại bánh mứt, bánh tét, bánh chưng đến giò chả, dưa hành… để các con trải nghiệm đầy đủ không khí Tết. Chị cũng giải thích để 2 con trai hiểu hơn về công việc của bố. Tết vắng anh nhưng mọi thứ vẫn tươm tất, đủ đầy. “Chúng tôi chuyển vào đây sống đã 5 năm nhưng đây là năm đầu tiên anh đi đảo. Dù có chút chưa quen lắm với cảm giác không được đón Tết cùng chồng song tôi vẫn động viên anh cố gắng giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thi thoảng anh gọi điện thoại về hỏi thăm 3 mẹ con và động viên tôi cố gắng thay anh chăm con, chăm gia đình”, chị Hoa nói. Không chỉ dọn dẹp, trang hoàng và sắm sửa cho ngày Tết của gia đình nhỏ, chị Hoa còn đưa con về TP. Nha Trang để phụ ba mẹ gói bánh, chuẩn bị các món ăn cho ngày Tết.

3 mẹ con chị Ngọc trang trí cây quất chuẩn bị cho ngày Tết.
Mẹ con chị Trịnh Thị Ngọc trang trí cây quất chuẩn bị cho ngày Tết.

Với chị Trịnh Thị Ngọc (sinh năm 1993), đây là năm thứ 2 Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Đức Hải, chồng chị làm nhiệm vụ ở huyện Trường Sa. Anh đi công tác tại đảo Sơn Ca từ tháng 7-2023 đến tháng 7-2024 mới về đất liền. “Mẹ con tôi đã quen với công việc của anh và luôn động viên anh yên tâm công tác ở ngoài đảo, 3 mẹ con ở nhà luôn là hậu phương vững chắc cho anh. Ngày Tết, anh thường gọi điện thoại hỏi thăm, động viên và chúc Tết mấy mẹ con”, chị Ngọc chia sẻ. Để chuẩn bị cho ngày Tết, ngoài trang hoàng bàn thờ tổ tiên, làm các món ăn, chị còn mua cây quất, cây mai nhỏ để nhà cửa có thêm không khí xuân. Chị còn tranh thủ đưa 2 con gái về quê ở Thanh Hóa ít hôm với ông bà rồi vào lại Cam Ranh đón Tết.

Trên đây là 2 trong số hàng trăm người vợ cán bộ, chiến sĩ công tác ở Trường Sa đang sinh sống tại Khu đô thị căn cứ quân sự Cam Ranh. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả khi chồng công tác xa nhà song các chị luôn hỏi thăm, trò chuyện tâm sự, động viên, giúp đỡ nhau để vượt qua và cùng đón một cái Tết ấm áp, yêu thương. Chị Minh Hoa cho biết: “Nhà tôi trang trí góc Tết để các gia đình trong xóm, các chị em và các con qua chụp ảnh. Ngày nào cũng có người qua chụp ảnh làm cho không khí Tết thêm vui tươi, phấn khởi. Chúng tôi cũng bàn bạc với nhau cùng tổ chức tiệc tất niên nho nhỏ để góp thêm niềm vui trong những ngày cuối năm”.

Chị Ngọc hỏi thăm, động viên các chị em phụ nữ trong câu lạc bộ khi Tết đến xuân về.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa (bìa phải) hỏi thăm, động viên gia đình chị em khi Tết đến, xuân về.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa cho biết, các chị em trong câu lạc bộ đều là hậu phương của các cán bộ, chiến sĩ của Vùng 4 Hải quân. Khoảng 50 - 60% các chị em có quê ở miền Bắc nên hàng năm khi Tết đến, xuân về mọi người đều cố gắng thu xếp về ăn Tết với gia đình. Còn lại do kinh tế và công việc nên các chị em ở lại đón Tết. “Chị em hàng xóm với nhau đều rất thân thiết nên mọi người cùng kết nối, trao đổi về những việc trong mỗi tòa nhà hoặc mỗi tầng. Khi có hoạt động, các chị em lại thông báo để cùng nhau thực hiện. Mọi người tự gói bánh, làm mứt rồi cùng nhau trang trí ở hành lang, trang hoàng nhà cửa, bày biện các món ăn… để đón Tết thật vui”, chị Ngọc chia sẻ.

HÒA TRANG