Đề tài nghiên cứu về giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo khu vực mũi Dù - núi Cấm (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vừa được nghiệm thu phát hiện nhiều giá trị độc đáo về cảnh quan, địa chất, địa mạo, tài nguyên sinh vật của khu vực này. Nhóm nghiên cứu và hội đồng nghiệm thu nhất trí đề xuất tỉnh xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên cấp tỉnh nhằm bảo vệ, khai thác hợp lý giá trị khu vực này.
Cảnh quan, địa chất độc đáo và đa dạng sinh vật
Theo Thạc sĩ Phạm Bá Trung (Viện Hải dương học) - chủ nhiệm đề tài, chính những giá trị về cảnh quan, địa chất, tài nguyên sinh vật là những yếu tố quan trọng cần phát hiện, xác định, đánh giá, đề xuất nhằm mang lại lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục nên tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện đề tài này. “Từ tháng 12-2021 đến tháng 10-2023, chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, sở, ngành của tỉnh tiến hành khảo sát thực địa khu vực này nhiều lần để xác định các giá trị cần nghiên cứu. Cụ thể như: Khảo sát về các dạng địa chất, địa mạo; đo đạc địa hình đáy biển, thu mẫu trầm tích, đánh giá nguồn lợi; khảo sát về hiện trạng hệ sinh thái vùng triều, rạn san hô, rong biển, đánh giá nguồn lợi đa dạng sinh học trong hệ sinh thái đặc trưng khu vực mũi Dù - núi Cấm…”, Thạc sĩ Phạm Bá Trung cho hay.
Nhóm tác giả đã vẽ bản đồ địa chất, địa mạo, bản đồ di sản theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đi theo các lộ trình địa chất, địa mạo và sử dụng phương pháp mặt cắt địa mạo, thu mẫu đá trầm tích; phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm… Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá chi tiết hiện trạng đa dạng sinh học rạn san hô, cá rạn san hô, động vật không xương sống đáy kích thước lớn...
Hình ảnh mũi Dù - núi Cấm. |
Sau hơn 22 tháng nghiên cứu (từ tháng 12-2021 đến tháng 10-2023), nhóm phát hiện giá trị độc đáo của cảnh quan địa chất, địa mạo khu vực bờ biển mũi Dù - núi Cấm. Địa chất, địa mạo của bờ biển mũi Dù - núi Cấm bị mài mòn do tác động của sóng biển. Ở khu vực này chủ yếu là đá trầm tích dưới tác động của các hoạt động kiến tạo đã hình thành các mũi đá nhô, vách đá trầm tích, các uốn nếp và đai mạch thạch anh, có 2 bãi biển và các bậc thềm biển… Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được các hóa thạch sinh vật cúc đá (Ammonite) và gỗ hóa thạch đặc trưng cho xác định độ tuổi trầm tích của thời kỳ Kỷ Jura sớm - giữa, cách đây khoảng 174,1 - 182,7 triệu năm. Kết quả nghiên cứu về tài nguyên sinh vật hệ sinh thái rạn san hô đã xác định 61 loài, 28 giống, 13 họ san hô cứng; 3 giống san hô mềm, 98 loài thuộc 53 giống và 30 họ cá rạn san hô, 33 nhóm động vật đáy… Độ phủ san hô sống chiếm hơn 50% độ phủ nền đáy, trong đó san hô mềm chiếm ưu thế, từ 24 đến 38%, san hô cứng chiếm 12-20%. Mật độ trung bình cá rạn san hô đạt mức khá cao với gần 320 cá thể/100m2. Đồng thời, xác định 54 loài rong biển; trong đó 8 loài có giá trị kinh tế, 2 loài thuộc danh mục nhóm I thuộc loài nguy cấp, quý hiếm là rong hồng mạc rộng (Halymenia dilatata) và rong hồng mạc đốm (Halymenia maculata)… Bên cạnh đó, đề tài còn xác định hệ sinh thái vùng triều bờ đá, hệ sinh thái sinh vật đáy biển…
Tiềm năng phát triển du lịch
Nói về giá trị di sản mũi Dù - núi Cấm, Thạc sĩ Trung cho rằng: Giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo và tài nguyên sinh vật của khu vực mũi Dù - núi Cấm rất độc đáo, mang tính chất đặc thù, không nơi nào có được. Với sự hiện diện của 3 uốn nếp và 3 đại mạch, đặc biệt hóa thạch đã được định tuổi hàng trăm triệu năm. Bên cạnh đó, các dấu vết về hóa thạch, gỗ hóa thạch, mà đặc biệt là hóa thạch Ammonite thu hút sự chú ý của khách du lịch.
Theo Tiến sĩ Ngô Tuấn Tú - Phó Chủ tịch Hội Địa chất thủy văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài được nhóm tác giả nghiên cứu, khảo sát công phu, kết hợp với các viện của Trung ương nhằm xác định độ tuổi của hóa thạch và nhiều phương pháp khác. Đề tài đã xác định được các nội dung, yêu cầu đặt ra về địa chất, địa mạo, bản đồ, tài nguyên sinh vật của khu vực mũi Dù - núi Cấm. Với các giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo, tài nguyên độc đáo, hiếm có, khu vực này rất xứng đáng xây dựng để trở thành thắng cảnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ cảnh quan và di sản thiên nhiên. Trên cơ sở đó, tỉnh có thể xác lập khu bảo tàng địa chất ngoài trời, kết hợp với các hoạt động du lịch, giáo dục, nghiên cứu, tham quan. Hội đồng nhất trí đề xuất với UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan lập hồ sơ di sản thiên nhiên cấp tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của cảnh quan, địa chất trong khu vực. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, nghiêm cấm khai thác trái phép để bảo vệ di sản có một không hai này của tỉnh.
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin