Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở địa phương nhận biết và cùng giữ gìn trang phục của đồng bào mình, hơn 10 năm qua, chị Cao Thị Ngọc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) có nhiều nỗ lực để gìn giữ, phát huy nghề làm trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đồng thời tích cực truyền nghề cho nhiều bạn trẻ.
Chị Pi Năng Thị Kim Nhi (trái) ở xã Khánh Trung vui mừng khi có bộ trang phục truyền thống vừa ý. |
Để chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật quần chúng ở địa phương, chị Pi Năng Thị Kim Nhi (xã Khánh Trung) lại tìm đến cửa hàng của chị Cao Thị Ngọc Thanh - nơi duy nhất còn giữ được nghề may và làm trang phục truyền thống của ĐBDTTD trên địa bàn huyện. Chị Nhi cho biết, trước đây, cứ đến những ngày lễ, hội và các đợt hội diễn văn nghệ, người dân rất khó khăn trong việc tìm trang phục của đồng bào mình. Kể từ khi chị Thanh mở cửa hàng làm các trang phục của ĐBDTTD đã giúp nhiều chị em có cơ hội khoe nét đẹp trang phục của đồng bào mình với mọi người.
Chị Thanh bên bộ trang phục vừa mới may xong. |
Là người dân tộc Raglai, tuy còn trẻ nhưng chị Thanh đã tạo dựng được uy tín trong cộng đồng dân cư. Chị luôn tích cực tham gia công tác bảo tồn bản sắc các dân tộc ở địa phương. Chị cho biết, để có hơn 10 năm kinh nghiệm làm trang phục của ĐBDTTD, nhiều năm qua, chị đã đi học hỏi rất nhiều nơi, từ các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền Trung và đến tận các tỉnh phía bắc với mong ước duy nhất là bảo tồn, phổ biến và nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua trang phục truyền thống. Đến nay, chị đã có thể thiết kế, may khoảng 20 trang phục của các dân tộc thiểu số trên toàn quốc.
Những bộ trang phục được thiết kế đẹp mắt, lưu giữ được từ bao đời của đồng bào các dân tộc thiểu số là điểm nhấn giúp những chàng trai, cô gái lộng lẫy hơn trong lễ hội. Đó cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến nghề làm trang phục truyền thống ĐBDTTD. Được sự chỉ dẫn tận tình của chị Thanh, đến nay, em Cao Thị Lem và nhiều bạn trẻ trong vùng ngoài việc tự may, thêu trang phục cho bản thân và gia đình, còn nhận làm cho người dân ở các địa phương lân cận. Tuy thu nhập từ nghề làm trang phục truyền thống không nhiều, nhưng nhiều bạn trẻ luôn ấp ủ một ngày không xa sẽ cùng với chị Thanh mở rộng thêm nhiều điểm may, kinh doanh trang phục truyền thống cho ĐBDTTD ở miền núi.
Các bạn trẻ chăm chú học cách trang trí trang phục truyền thống từ chị Thanh. |
Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết: “Khánh Vĩnh có dân số hơn 43.000 người, với hơn 73,4% là ĐBDTTD, có 25 dân tộc cùng sinh sống như: Raglai, T'Rin, Ê đê, Tày, Nùng, Mường, Chăm, Dao, Hoa, Thái... Ngày nay, với sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại đã tạo ra những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số một cách nhanh chóng, dẫn đến nhiều người dân trong vùng, nhất là các bạn trẻ người dân tộc thiểu số không biết nguồn gốc, cách làm trang phục của dân tộc mình, lâu dần sẽ bị mai một. Chị Cao Thị Ngọc Thanh đã dám nghĩ, dám làm, cùng với các bạn trẻ góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa. Đến nay, nhiều người dân tự tin khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của chính đồng bào mình làm ra".
Các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số với trang phục truyền thống bên dòng suối xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh. |
Với mong muốn tiếp tục lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của ĐBDTTD, chị Thanh đang nghiên cứu phát triển thêm nghề dệt thổ cẩm; tự tay sáng tạo thêm nhiều mẫu mã đẹp, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Từ đó, sẽ đầu tư cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất, đưa trang phục truyền thống ĐBDTTD ra thị trường gắn với quảng bá nét đẹp, độc đáo của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tới du khách trong và ngoài tỉnh.
MÃ PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin