20:55, 07/01/2024

Giải pháp hỗ trợ canh tác nông nghiệp sạch

V.L

Hai đề tài về nghiên cứu phân vi sinh trồng bắp ngọt, sử dụng hoa dã quỳ trừ sùng đất hại mía tím của 2 tác giả thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tuy chỉ đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ X nhưng có nhiều ý nghĩa, giúp nông dân canh tác thân thiện với môi trường.

Chọn phân vi sinh cho bắp nữ hoàng

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa - chủ nhiệm đề tài “Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trồng bắp ngọt nữ hoàng đỏ”, tác giả đã nghiên cứu bố trí thí nghiệm trên 4 loại phân vi sinh (sông Gianh, Ekmat, Panda Trichoderma và Cò bay); 5 mức liều lượng (50, 70, 100, 125, 150% so với khuyến cáo sản phẩm)... Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, tác giả chọn lọc được công thức dùng phân hữu cơ vi sinh Panda Trichoderma với liều lượng 125% so với khuyến cáo của nhà sản xuất khi trồng bắp ngọt nữ hoàng đỏ cho năng suất 7,9 tấn/ha và đạt lợi nhuận 86,5 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt gần 1,5 lần...

Theo dõi sinh trưởng, trổ hoa của bắp Nữ hoàng
Theo dõi sinh trưởng, trổ hoa của bắp nữ hoàng.

Theo Thạc sĩ Ánh, việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh giúp cây bắp hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí đầu tư và tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, giống bắp ngọt nữ hoàng đỏ hạt có màu đỏ tím, giàu chất chống ôxy hóa, sinh trưởng mạnh, thích hợp trồng trên nhiều loại đất, chịu hạn và chịu lạnh tốt. Bắp ăn tươi ngon, mềm, dẻo, ngọt, có vị thơm đặc trưng; thời gian trồng đến khi thu hoạch khoảng 65 - 70 ngày, có thể trồng quanh năm trên đất chủ động được nguồn nước. Bắp ngọt còn được coi là giống cây trồng hiệu quả trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng có khả năng phát triển, nhân rộng.

Sử dụng hoa dã quỳ trừ sùng đất

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhung - phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Sơn - chủ nhiệm đề tài “Sử dụng cây hoa dã quỳ để phòng trừ sùng đất hại mía tím tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn” cho hay, cây mía tím thường bị sùng đất cắn phá rễ. Tuy nhiên, sùng đất có thiên địch là hoa dã quỳ nhưng chưa được nghiên cứu bằng đề tài khoa học.

Nông dân dùng thân lá hoa dã quỳ chặt nhỏ, trộn vào đất diệt được sùng đất
Nông dân dùng thân, lá cây dã quỳ chặt nhỏ để diệt sùng đất.

Tại Khánh Sơn, hoa dã quỳ mọc nhiều ở các triền đồi, vách núi, hai bên đường... Hoa dã quỳ không chỉ đẹp mà còn mang lại những lợi ích như: Làm nguồn phân xanh giàu dinh dưỡng giúp cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng; trừ sâu, trừ tuyến trùng; rào cản chắn gió… Nhằm giúp nông dân phòng trừ sâu hại trong đất tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, Thạc sĩ Nhung đã hướng dẫn nông dân sử dụng cây hoa dã quỳ để phòng trừ sùng đất hại cây mía tím bằng cách thu hái lá, cành cây hoa dã quỳ mọc tự nhiên đem về chặt nhỏ, trộn vào đất khi mới làm đất. Mô hình được triển khai tại xã Ba Cụm Bắc, với quy mô 1ha. Bà Mấu Thị Ngợ (xã Ba Cụm Bắc), nông dân triển khai mô hình cho biết: “Sau khi được tuyên truyền về hiệu quả của hoa dã quỳ trong việc phòng trừ sùng đất góp phần nâng cao chất lượng đất trồng mía, chống đổ ngã cho cây mía nhờ hình thành rào chắn, chúng tôi đã lấy hạt hoa dã quỳ rải xung quanh bờ ruộng, lấy thân lá của cây chặt nhỏ và rải xuống ruộng sau khi làm đất. Qua theo dõi, chúng tôi không thấy xuất hiện sùng đất nữa và khi cây mía vươn lóng gặp mưa to, gió lớn cũng được hàng dã quỳ ngăn chặn nên không bị đổ ngã”.

Tác giả đề tài cho biết, khi áp dụng giải pháp này thì cây mía tím cao hơn, lóng đẹp, không bị đổ ngã và cũng không phát hiện sùng đất gây hại trong suốt quá trình canh tác, giúp nông dân giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, qua tính toán lợi nhuận thu về cao hơn so với đối chứng hơn 18 triệu đồng... “Đây là giải pháp hiệu quả, có thể giúp nông dân Khánh Sơn trừ nạn sùng đất hại mía, mô hình đơn giản, dễ nhân rộng… Hoa dã quỳ cũng có thể áp dụng cho các vườn cây trồng khác, như: Hồ tiêu, cà phê, bắp, sầu riêng... để diệt sùng đất”, Thạc sĩ Nhung nói.

V.L