22:07, 01/11/2023

Nhiều giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động

VŨ ĐỨC NHẬT

Ngày 3-11-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2994 về Chương trình an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với nhiều giải pháp chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình ATVSLĐ giai đoạn 2021 - 2025 là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ); bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Trên cơ sở đó, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) căn cứ tình hình thực tế và kinh phí được cấp từ Trung ương và của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung, hoạt động về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, với 3 nhóm hoạt động chính.

Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động và người lao động về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động vào tháng 5-2023.

Nhóm hoạt động thứ nhất là các hoạt động hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về ATVSLĐ. Cụ thể là: Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho các hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về ATVSLĐ; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và các dịch vụ công trong lĩnh vực ATVSLĐ. Đồng thời, kiện toàn cơ sở dữ liệu về an toàn lao động tại địa phương, như: TNLĐ; máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; số người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; số người được huấn luyện ATVSLĐ; số tổ chức được cấp phép hoạt động ATVSLĐ; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ, rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và các đơn vị có sử dụng nhiều thang máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công trình xây dựng cao tầng, công trình giao thông, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động cho các doanh nghiệp.

Nhóm hoạt động thứ hai là tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về ATVSLĐ. Cụ thể gồm: Tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động; NLĐ làm công tác ATVSLĐ; NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện các giải pháp chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người làm công tác y tế cơ sở; tập huấn, huấn luyện, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn kinh doanh khí, điện, hóa chất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thang máy, hệ thống lạnh tại các khách sạn, chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức đối thoại giữa Hội đồng ATVSLĐ tỉnh với người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ để giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ hàng năm.

Nhóm hoạt động thứ ba là các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tập huấn triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, từng bước xây dựng văn hóa an toàn trong lao động, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý ATVSLĐ. Tư vấn, hỗ trợ thông tin cải thiện điều kiện lao động theo phương pháp giáo dục hành động (phương pháp WISE, WISH… của Tổ chức Lao động quốc tế) đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề, hợp tác xã làm các nghề, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ Chương trình ATVSLĐ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động triển khai các hoạt động cụ thể về ATVSLĐ để kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn TNLĐ và bệnh nghề nghiệp; đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch ATVSLĐ hàng năm theo quy định tại Điều 76 Luật ATVSLĐ. Xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp theo quy định tại Điều 19 Luật ATVSLĐ. Tổ chức bộ phận ATVSLĐ, bộ phận y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 72 và khoản 1 Điều 73 Luật ATVSLĐ. Thành lập, kiện toàn, rà soát ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật ATVSLĐ; huấn luyện đào tạo về ATVSLĐ để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của an toàn, vệ sinh viên tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thống kê, phân loại và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho tất cả người sử dụng lao động và NLĐ theo đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 44, ngày 15-5-2016 về hướng dẫn Luật ATVSLĐ về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động; khoản 5 Điều 1 Nghị định số 140, ngày 8-10-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB-XH. Đồng thời, thực hiện tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ; tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc theo hướng dẫn tại Thông tư số 07, ngày 15-5-2016 của Bộ LĐ-TB-XH quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, hướng dẫn sử dụng, các giải pháp làm việc ATVSLĐ đối với máy, thiết bị và tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 15 Luật ATVSLĐ.

Thống kê, phân loại người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 11, ngày 12-11-2020 của Bộ LĐ-TB-XH ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thực hiện các chế độ cho người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Rà soát, thống kê máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định tại Thông tư số 36, ngày 30-12-2019 của Bộ LĐ-TB-XH ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện kiểm định kỹ thuật ATVSLĐ, khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 44. Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ theo quy định tại Điều 21 Luật ATVSLĐ. Bố trí lực lượng sơ cứu, cấp cứu; huấn luyện kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ; trang bị phương tiện, thiết bị, vật tư, sơ cứu, cấp cứu theo quy định tại Thông tư số 19, ngày 30-6-2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ.

VŨ ĐỨC NHẬT (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)