Theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, từ nay đến năm 2025, hoạt động cấp nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu tăng thêm diện tích tưới, tăng chất lượng phục vụ đối với cấp nước cho sinh hoạt, dịch vụ, du lịch, công nghiệp… Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực của đơn vị được giao quản lý hệ thống công trình thủy lợi.
Tăng 700ha đất sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới
Theo ông Nguyễn Thái Hùng - Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, công ty được tỉnh giao quản lý, khai thác 18 hồ chứa nước có tổng dung tích gần 213 triệu m3; 32 đập dâng trên sông, suối; gần 460km kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2…; 3 trạm bơm. Hệ thống này hàng năm cấp nước cho các mục đích sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Qua thống kê, diện tích tưới nông nghiệp hàng năm ổn định khoảng 31.000ha, chủ yếu là tưới lúa, trong khi lượng nước thô cấp cho mục đích công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ tăng dần theo từng năm. Chẳng hạn năm 2018 gần 13 triệu m3, năm 2020 gần 18 triệu m3 và năm 2023 hơn 22 triệu m3.
Cửa xả điều tiết của hồ chứa nước Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh). |
Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi, giúp tăng chất lượng cấp nước và mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp chủ động tưới. “Thực tế những năm qua, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa, các dự án hạ tầng, đặc biệt là dự án giao thông qua địa bàn đã ảnh hưởng đến việc duy trì diện tích phục vụ tưới của công ty. Nhờ sự đầu tư vào hệ thống công trình thủy lợi, như: công trình hồ Tà Rục; dự án nâng cao năng lực tưới công trình và hoàn thiện hệ thống kênh tưới của các hồ Đá Bàn, Cam Ranh, Suối Dầu..., nguồn nước đã vươn tỏa đến nhiều vùng hơn, qua tính toán giai đoạn 2021 - 2025 có thể tăng thêm 700ha đất sản xuất nông nghiệp được cung cấp nước tưới so với giai đoạn trước, chủ yếu là hoa màu và cây ăn quả” - ông Nguyễn Thái Hùng cho biết.
Nâng cao hiệu quả phục vụ
Theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các chỉ số phục vụ nước cho các mục tiêu giai đoạn này đều tăng năm sau cao hơn năm trước. Ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp được thụ hưởng nước tưới từ các công trình thủy lợi tăng thêm 700ha, những năm tới, hệ thống tưới còn được hiện đại hóa bằng đường ống kín thay vì kênh mương hở như hiện nay nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước. Chẳng hạn như hệ thống đường ống từ hồ Sông Chò 1 cấp nước tưới cho 4.300ha đất sản xuất nông nghiệp ở huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa đang được đầu tư. Khi hệ thống đường ống này hoàn thiện, phương án lắp đặt đồng hồ nước đến từng hộ sản xuất nông nghiệp (tương tự như nước sinh hoạt hiện nay) cũng đã được tính toán nhằm nâng cao hơn nữa ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với tăng chất lượng và diện tích phục vụ, giá dịch vụ thủy lợi cũng được tăng lên tương ứng. Cụ thể, việc cấp nước thô cho sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp tăng bình quân 3%/năm, đến năm 2025 đạt 25,72 triệu m3/năm; giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cũng được điều chỉnh tăng, trong đó giá tưới trọng lực, chủ động cho cây lúa đến năm 2025 là 1,2 triệu đồng/ha/vụ (hiện nay là 986.000 đồng); giá cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tăng bình quân 7,5%/năm, đến năm 2025 là 1.200 đồng/m3, tăng 300 đồng/m3 so với hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thái Hùng, những năm gần đây, đơn vị luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi được giao trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, một trong những giải pháp quan trọng nhằm quản lý và khai thác hiệu quả hơn nữa các công trình thủy lợi đó là sự đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó bao gồm: việc lắp đặt các trạm đo mưa tự động, hệ thống thông tin cảnh báo sớm ở đầu nguồn các hồ chứa nhằm tính toán lưu lượng nước về hồ một cách khoa học, chính xác để điều tiết mực nước trong hồ kịp thời hơn; xây dựng và lắp đặt các hệ thống quan trắc công trình, quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, hệ thống giám sát vận hành các hồ chứa nước lớn và vừa. Song song với việc tạo ra dữ liệu, các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa nước cũng sẽ được ứng dụng, cùng với việc xây dựng và số hóa các bản đồ diện tích tưới, tiêu làm cơ sở xác định vị trí giao nhận diện tích tưới tiêu, tích hợp bản đồ ngập lụt hạ du các đập, hồ chứa nước tỉnh đã và đang xây dựng quá trình quản lý, khai thác, điều tiết lũ tại các hồ chứa…
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin