Được xây dựng năm 2022, mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xóm 6, thôn Đá Mài” của UBMTTQ xã Diên Tân (huyện Diên Khánh) đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn.
Kết quả bước đầu
Gia đình bà Cao Thị Hồng (thôn Đá Mài) là một trong những hộ nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Mặt trận xã đã lấy lại được số ruộng gán nợ để tiếp tục sản xuất. Bà Hồng kể, trước đây, vợ chồng bà không có đất sản xuất nên phải đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi được Mặt trận xã vận động tham gia sinh hoạt mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số xóm 6, thôn Đá Mài”, bà đã nắm được nhiều quy định, chính sách của Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS. Từ đó, bà cũng biết được bố mẹ bà vốn được Nhà nước cấp đất sản xuất lúa nhưng đã gán nợ cho một hộ dân khác với số tiền 3 triệu đồng. Nhờ Mặt trận xã can thiệp, bà đã lấy lại được toàn bộ số ruộng. Từ khi có ruộng, được sự hướng dẫn của Hợp tác xã Nông nghiệp Diên Tân và sự hỗ trợ của Mặt trận xã, gia đình bà Hồng sản xuất được 2 vụ lúa/năm. Mỗi vụ, gia đình bà thu hoạch được khoảng 10 - 11 bao lúa. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng gia đình bà không còn lo thiếu gạo ăn.
Lãnh đạo Mặt trận xã Diên Tân đến thăm hỏi gia đình bà Cao Thị Hồng. |
Hiện nay, toàn xã Diên Tân có 78 hộ ĐBDTTS. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã đã cải tạo và giao đất cho các hộ sản xuất lúa nước, năng suất trung bình đạt từ 60 đến 62 tạ/ha. Mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa nước nên hiện nay, các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã không còn thiếu gạo ăn. Thực hiện mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xóm 6, thôn Đá Mài”, Mặt trận xã đã phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về Luật Đất đai cho người dân trên địa bàn thôn. Qua đó, Mặt trận xã nắm được thông tin có 13 hộ ĐBDTTS tự ý dùng gần 1,3ha đất ruộng được Nhà nước cấp gán nợ cho một số người dân. Từ thực tế đó, Mặt trận xã đã xin ý kiến của Đảng ủy, UBND xã tiến hành đối thoại với người dân; đồng thời làm việc trực tiếp với các bên. Qua nhiều lần trao đổi, các hộ nhận gán nợ đã đồng ý trả lại ruộng cho các hộ ĐBDTTS để tiếp tục trồng lúa.
Nâng cao kiến thức về pháp luật
Theo bà Nguyễn Ngọc Bảo Uyên - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Tân, trước đây, do trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, một bộ phận ĐBDTTS thường xuyên uống rượu, gây rối trong gia đình, không chăm lo lao động; thiếu ý thức giữ vệ sinh môi trường; nhiều trường hợp vi phạm giao thông… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Từ thực trạng đó, năm 2022, Mặt trận xã xây dựng mô hình “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xóm 6, thôn Đá Mài” và đã được UBMTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm mô hình điểm của tỉnh. Mô hình thu hút 20 cán bộ, công chức am hiểu về pháp luật, cán bộ thôn, lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong ĐBDTTS tham gia. Từ đó, các thành viên thường xuyên thay đổi cách tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan sinh động, xây dựng clip, tạo sự liên kết bằng những câu chuyện dẫn chứng người thật việc thật; kết hợp đến tận nhà vận động, trao đổi với người dân…
Với phương châm “ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và đúng pháp luật”, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình đã thu hút được nhiều người dân hưởng ứng. Thông qua các buổi trao đổi, tuyên truyền về: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình; vấn đề tảo hôn; phòng, chống bạo lực gia đình; công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy; cách trồng lúa nước… đã giúp ĐBDTTS hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. “Qua các buổi tuyên truyền, chúng tôi được nghe người dân phản ánh tình trạng một số thanh thiếu niên trên địa bàn chưa đến tuổi kết hôn nhưng có ý định lấy vợ, lấy chồng. Sau khi tiếp nhận thông tin, các thành viên đã đến tận nhà để vận động, tuyên truyền. Nhờ đó, đã kịp thời ngăn chặn được tình trạng tảo hôn xảy ra trên địa bàn”, bà Uyên nói.
Ông Cao Xà Ngân - người có uy tín ở thôn Đá Mài cho biết: "Thực hiện mô hình, chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động người dân không để các tệ nạn xã hội xâm nhập bản làng; không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh, trật tự. Chính cách làm phù hợp của mô hình đã từng bước giúp ĐBDTTS trên địa bàn thôn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Nhờ đó, thôn Đá Mài không xảy ra tệ nạn xã hội; tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm".
KHÁNH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin