"Châu Phi nghìn trùng” là cuốn sách nổi tiếng thế giới được viết theo thể tự truyện của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen, xuất bản năm 1937. Mãi đến năm 2021, tác phẩm này mới được dịch giả Hà Thế Giang dịch từ bản tiếng Anh “Out of Africa” sang tiếng Việt, được Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản, phát hành.
Isak Dinesen là bút danh của Karen Blixen (1885-1962), một nữ bá tước người Đan Mạch. Năm 1913, bà cùng chồng sang Kenya mua một đồn điền dưới chân rặng núi Ngong để sản xuất cà phê hạt. Nhưng sau 17 năm kinh doanh thất bại, người chồng phản bội, bà đã phải bán đồn điền và trở về nước năm 1931. Từ đó, bà bắt đầu viết văn và đến năm 1935 bà viết “Châu Phi nghìn trùng”. Năm 1937, cuốn sách ra đời, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, bà tự dịch sang tiếng Đan Mạch cho người dân nước mình đọc.
Có thể chia “Châu Phi nghìn trùng” thành 5 phần, trong đó 2 phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ cùng những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lý cũng như sự trừng phạt; phần 3 nói về tình cảm của các vị khách ở đồn điền; phần 4 phản ánh đời sống của chế độ thực dân da trắng tại châu Phi; phần cuối cùng là những hồi ức kể từ khi tác giả rời Kenya. Tuy nói về những trải nghiệm từ thực tế của mình, nhưng Isak Dinesen đã mang lại cho thế giới bao nhiêu điều mới mẻ về một châu Phi rộng lớn, với thiên nhiên hoang dã, hùng vỹ, khoáng đạt nhưng cũng chất chứa những điều trớ trêu tàn nhẫn; nơi có những con người còn gần với thời nguyên sơ, hiền lành, dung dị khác thường, đáng yêu nhưng dễ bị lợi dụng bởi những thế lực đen tối…
Với cách nhìn của một người da trắng, nhưng khi viết về châu Phi, Isak Dinesen luôn thể hiện sự trân trọng và bằng những tình cảm sâu nặng, không phân biệt phong tục, nếp sống, màu da… “Hãy cưỡi ngựa, bắn cung, nói sự thật” - đó là phương châm sống của tầng lớp quý tộc Ba Tư và nội dung này đã được Isak Dinesen dùng làm đề từ cho tác phẩm "Châu Phi nghìn trùng". Với phương châm trên, ngoài việc kể về bức tranh muôn màu của cuộc sống ở lục địa đen bằng tình yêu máu thịt của tâm hồn mình, nhà văn nữ của Đan Mạch cũng thẳng thắn nêu ra trong tác phẩm nhiều nội dung liên quan đến vấn đề khai thác thuộc địa, đất đai, tôn giáo, văn hóa bản địa; về văn hóa hậu thực dân và chủ nghĩa hậu thực dân; về sinh thái nữ quyền; nữ quyền luận… Bà gửi đến người đọc và thế giới thông điệp đầy tính nhân văn: “Hãy yêu thương lòng tự tôn của các dân tộc bị chinh phục, và hãy để họ được tôn kính cha mẹ mình… Lúc bị chúng ta tước đoạt đất, thứ người bản xứ mất mát thực ra còn hơn cả đất. Đó còn là quá khứ của họ, cội rễ họ, nhân thân họ. Nếu ta lấy đi thứ họ quen được nhìn và mong được thấy, có thể nói ta cũng cướp đi luôn cặp mắt họ”.
"Châu Phi nghìn trùng" có kết cấu khá độc đáo với tầng tầng, lớp lớp những kỷ niệm, hồi tưởng chồng lên nhau ở một người, lúc vui, lúc buồn, khi hạnh phúc khi trăn trở… Cách kể, cách miêu tả đầy hình ảnh, đầy cảm xúc của tác giả đã làm cho người đọc cảm thấy bị cuốn hút dù đó là cuốn sách phi hư cấu. Ngay từ khi ra đời, "Châu Phi nghìn trùng" được các nhà nghiên cứu đánh giá là viên ngọc không chỉ của văn học Đan Mạch mà còn của cả thế giới. Ở Việt Nam, dù hơn 80 năm sau mới được dịch sang tiếng Việt, nhưng cuốn sách đã nhanh chóng được bạn đọc đón nhận, nhất là khi tác giả Hà Thế Giang (bút danh của một kỹ sư dầu khí vẫn đang làm việc tại Vũng Tàu) đã được trao giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho bản dịch của cuốn sách này.
HOÀNG ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin