Không rõ từ bao giờ, những sinh viên và ngư dân gọi Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh - Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản (NTTS), Viện NTTS, Trường Đại học Nha Trang là “Tiến sĩ cá". Tiến sĩ Mạnh có hơn chục công trình nghiên cứu về nuôi nhiều loại cá biển có giá trị kinh tế cao.
Nghiên cứu sản xuất, nuôi thương phẩm nhiều loài cá biển
Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Trường Đại học Nha Trang) năm 2001, ông được giữ lại trường làm giảng viên do thành tích học tập xuất sắc. Trong suốt chặng đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đến nay, ông đã tham gia nghiên cứu, chủ nhiệm hơn 10 đề tài khoa học, trực tiếp thực nghiệm sản xuất nhiều loài cá biển là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
"Đại bản doanh" nuôi vỗ cá bố mẹ của Viện Nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hòn Thị. |
Nhớ lại những ngày đầu làm khoa học, kinh phí thiếu thốn, thầy trò rất vất vả. Thầy Mạnh chia sẻ: “Thời gian đầu khó khăn, chúng tôi phải tự làm mọi thứ để thực hiện thí nghiệm. Lưới phải tự may, thiết bị thí nghiệm phải tự chế để giảm chi phí. Điều kiện cơ sở vật chất, kiến thức và kinh nghiệm của bản thân còn hạn chế nên nhiều thí nghiệm thất bại, phải làm đi làm lại mất rất nhiều thời gian và công sức của thầy trò. Một số trường hợp cá không đẻ, hay cá con ươm nuôi bị chết. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các thầy, cô đi trước, giải pháp kỹ thuật từng bước hoàn thiện, dần thực hiện thành công”.
Thầy Mạnh hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài. |
Bên cạnh đó, những đối tượng cá biển nghiên cứu hầu hết là đối tượng mới nên chưa có thị trường, kỹ thuật nuôi chưa phổ biến nên nhiều ngư dân, đơn vị sản xuất e ngại đầu tư hay tiếp nhận quy trình công nghệ. Có lúc thầy trò phải chia nhau đi giới thiệu sản phẩm. Thầy Mạnh nghĩ ra cách viết thông tin một số loài cá, số điện thoại trên từng tờ giấy rồi vào cảng Cầu Đá (TP. Nha Trang) đưa tận tay khách du lịch. Sau một thời gian có người gọi hỏi mua, thầy trò thiết lập được đường dây phân phối sản phẩm rồi mới tập trung vào làm khoa học.
Đến nay, Tiến sĩ Mạnh và nhóm nghiên cứu đã có nhiều năm kinh nghiệm về nghiên cứu và sản xuất cá giống, nuôi thương phẩm nhiều loài cá biển. Các loài cá biển đã được nhóm nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật chuyển giao cho người dân như: Cá chẽm (2005 - 2010); cá chim vây vàng (2009 - 2015); cá hồng Mỹ (2014 - 2016); cá bè vẫu (2020 - 2023)… Ngoài ra, một số đối tượng nuôi đang tiếp tục được viện nghiên cứu như: Cá khế vằn, cá sủ đất, cá tai bồ, cá hồng đỏ… Qua đó, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi biển. Hiện tại, cơ sở nghiên cứu sản xuất giống và nuôi cá biển thuộc Viện NTTS do ông quản lý đang triển khai thực nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm. Cơ sở thực nghiệm trên đất liền với hàng chục bể thí nghiệm, hơn 100 bể sản xuất giống thử nghiệm là nơi cho sinh viên thực tập, nghiên cứu và thử nghiệm ương cá giống.
Chỗ dựa của ngư dân
Tiến sĩ Mạnh đưa tôi vào thăm cơ sở thực nghiệm tại thôn Cát Lợi (xã Vĩnh Lương, Nha Trang). Bên những bể nuôi, các kỹ thuật viên và sinh viên thực tập đang phân cỡ và san thưa cá giống sang bể nước đã chuẩn bị sẵn. Sinh viên Lưu Quốc Hòa - Khóa 62 NTTS bộc bạch: “Được làm việc với thầy Mạnh là vinh dự lớn của em, nhất là lúc làm đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên về cá hồng mỹ. Đề tài của nhóm em đã đoạt giải nhì cấp trường và tham gia Hội nghị Khoa học thủy sản tại Cần Thơ. Thầy Mạnh rất gần gũi với sinh viên, chỉ dạy tận tình, chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm về nghiên cứu và sản xuất”.
Rời cơ sở thực nghiệm, chúng tôi có mặt tại “đại bản doanh” cá bố mẹ của Viện NTTS ở khu vực Hòn Thị (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa). Hơn 50 ô lồng san sát, những con cá bố mẹ nặng từ vài ký đến hơn chục ký quẫy nước nhanh nhẹn. Những con cá sủ đất, cá hồng mỹ, cá khế vằn, cá chim, cá bè vẫu, cá chẽm, cá tai bồ... đều đang ở giai đoạn sinh sản. Thầy Mạnh thoăn thoắt đi lại trên bè, lúc giải thích cho khách tham quan, lúc hướng dẫn sinh viên thực tập.
Ông Tô Minh Cường (thôn Cát Lợi) chia sẻ: “Thầy Mạnh rất thân thiện với ngư dân. Ông luôn nhiệt tình trả lời thắc mắc của người nuôi cá. Tôi đã gắn bó với thầy Mạnh khá lâu, từ lúc đầu nuôi cá chẽm, rồi cá hồng bạc, hồng mỹ, cá mú, cá bè và đến nay là cá chim vây vàng. Hiện nay, cá chim vây vàng là đối tượng nuôi được chú trọng nhất vì giá cao, đầu mùa có thể lên đến 150.000 đồng/kg… Tôi đang nuôi hơn 20 tấn cá dưới bè, trong đó cá chim là chủ lực”.
Tiến sĩ Mạnh rất trân trọng ngư dân, ông cho rằng, chính thực tiễn là nguồn sống của khoa học, trong đó ngư dân là người tiên phong. Các đề tài mà ông làm xuất phát từ những câu chuyện, trăn trở của ngư dân và nhà khoa học cần dùng kiến thức của mình để giúp ngư dân làm giàu. Để có được kết quả như ngày nay, ông luôn trau dồi, tìm hiểu kiến thức về cá, chịu khó và luôn chuyên tâm với công việc…
Chia tay những người dân đang thực hiện các mô hình nuôi cá biển, chúng tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ, ánh mắt vui vẻ của họ. Tâm thế lạc quan ấy như toát lên niềm tin về cuộc sống tốt đẹp hơn từ những ô lồng nuôi cá biển mà họ bỏ nhiều công sức và tiền bạc. Trong đó, có không ít giá trị từ chất xám của các nhà khoa học như Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh. Tôi tin rằng những nhà khoa học như ông sẽ tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho đời những công trình giá trị, góp phần giúp tỉnh nhà thực hiện thành công định hướng phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ LÊ MINH HOÀNG - Viện trưởng Viện NTTS: Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh có tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, dám nghĩ, dám làm và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông là giảng viên giản dị, gần gũi, tận tình, chu đáo. Đặc biệt, Tiến sĩ Mạnh có nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tế đời sống. Với cương vị Trưởng bộ môn Kỹ thuật NTTS, thầy Mạnh đã làm tốt chức trách được giao, đảm bảo bộ môn hoàn thành tốt định mức giờ giảng và nghiên cứu khoa học…
VĨNH LẠC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin