Thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) có nhiều cơ sở làm bún chuyên cung cấp cho các chợ đầu mối, tiểu thương trên địa bàn và TP. Nha Trang, huyện Khánh Vĩnh. Qua công tác kiểm tra các cơ sở làm bún trong tháng 7, đoàn kiểm tra của huyện Diên Khánh đã yêu cầu thị trấn khẩn trương khắc phục những tồn tại về môi trường từ nguồn nước thải tại các cơ sở; đồng thời phổ biến mô hình làm bún hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường để người dân học tập.
Mô hình làm bún ít phát sinh nước thải
Đặc trưng của nghề làm bún là lượng nước phát sinh rất lớn, có mùi hôi, nếu không có cách làm, mô hình xử lý hiệu quả rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Gia đình bà Đặng Thị Hà (tổ dân phố Phú Lộc Đông) làm bún đã 25 năm, có cách làm khác biệt so với các cơ sở khác, hạn chế được tối đa nước bẩn trong quá trình sản xuất ra môi trường. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Diên Khánh, cơ sở bà Hà đang áp dụng mô hình sản xuất phát sinh nước thải ít gây ô nhiễm và đề nghị thị trấn Diên Khánh nghiên cứu để phổ biến cho người dân cùng học tập, sản xuất.
Cơ sở làm bún của bà Đặng Thị Hà (tổ dân phố Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh). |
Có mặt tại cơ sở của bà Hà ngày 15-8, chúng tôi nhận thấy khu vực sản xuất bún rộng rãi, có nơi chứa củi, máy móc, chỗ đựng gạo… được bố trí bài bản; xung quanh cơ sở có nhiều cây xanh nên không có mùi hôi. Bà Hà cho biết, nguồn nước khoan ở khu vực này bị nhiễm phèn nên ban đầu bún làm ra bị hôi và có màu vàng. Sau đó, bà chuyển qua làm bún từ nguồn nước nhà máy nước sạch đấu nối về, tuy tốn kém chi phí nhưng an toàn, sạch sẽ. Nguyên liệu gạo để làm bún bà chọn mua gạo ở vùng Tu Bông (huyện Vạn Ninh). Quy trình làm bún, bà không dùng bất cứ hóa chất nào, lượng nước từ quá trình vo gạo sẽ có người đến lấy về để chăn nuôi heo, không thải ra môi trường. Theo cách làm truyền thống, gạo sau khi đem xay, các hộ sản xuất khác thường ủ ngâm 3 ngày để nở, sau đó mới ép khô nên nước làm bún xả ra rất hôi. Gia đình bà xay đến đâu ép khô đến đó và để 3 ngày sau mới làm bột. Nguồn nước bà dùng là nước sạch cho ép khô ngay, không để lâu, nên nước chảy ra rất trong và không có mùi. Sau khi xay gạo xong, bà không dồn vào một hệ thống máy để ép khô mà mua các thau nhỏ để phân chia ra; từ đó, việc ép khô được phân tán, làm nhanh hơn, bảo đảm lượng nước không tồn dư quá lâu trong bún sẽ có mùi hôi. Các quy trình tiếp theo, bà đều làm dứt điểm trong ngày để thời điểm 3 - 4 giờ sáng hàng ngày bún ra thành phẩm, xe sẽ chở bún đi giao cho tiểu thương ở các chợ khu vực Diên Khánh, Nha Trang, Khánh Vĩnh…
Được biết, cơ sở làm bún của bà Hà hiện nay có 6 nhân công, quy mô sản xuất 200kg gạo/ngày đêm, diện tích sản xuất khoảng 200m2, nước thải sản xuất bao gồm: Nước trong sau khi gạn bột, nước vệ sinh xưởng, lưu lượng nước phát sinh 5m3/ngày đêm. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất bún được bà Hà thu gom vào 3 hầm rút, thể tích 2,5m3/hầm và thuê người hút hầm khi hầm rút đầy.
Tăng cường xử lý các cơ sở xả thải trái phép
Bên cạnh những cơ sở làm tốt công tác về môi trường như hộ bà Hà, vẫn còn nhiều cơ sở làm bún thủ công trên địa bàn thị trấn Diên Khánh chưa tuân thủ các quy định pháp luật, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, qua kiểm tra 5 cơ sở làm bún ở thị trấn Diên Khánh, đoàn kiểm tra Phòng TN-MT huyện nhận thấy 4 cơ sở xây dựng hầm chứa nước thải, 1 cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, các hầm không đủ dung tích chứa nên một số hộ thường lén lút xả thải ra môi trường với nhiều hình thức: Đấu nối trực tiếp ống thải bằng nhựa ra mương thoát nước mưa của thị trấn, đấu nối ống ngầm thải ra sông. Khi phát hiện đoàn kiểm tra, một số hộ nhanh chóng rút ống hoặc cho ngừng xả; thời gian xả nước thải từ 2 đến 4 giờ sáng. Các hộ sản xuất bún rất chây ì, mặc dù đoàn kiểm tra đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu đăng ký bảo vệ môi trường nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.
Ông Nguyễn Lưu Truyền - Trưởng phòng TN-MT huyện Diên Khánh cho biết, để kiểm soát chặt nguồn nước thải ô nhiễm ở các cơ sở làm bún, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND thị trấn Diên Khánh rà soát các điểm đấu nối xả thải trái phép qua các khu vực bao gồm: Sông, hệ thống thoát nước mưa của khu tái định cư, đường Trần Phú, có phương án trám bít toàn bộ các điểm xả thải, lập hồ sơ xử lý theo quy định nếu phát hiện các vi phạm. Trường hợp các đối tượng đã bị xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục tái phạm và hết thời hạn khắc phục hậu quả nhưng vẫn chưa khắc phục được, UBND thị trấn rà soát, lập danh sách báo cáo UBND huyện để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình cá nhân đó ra khỏi làng nghề, khu dân cư theo đúng quy định pháp luật.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin