22:47, 21/08/2023

Nghiên cứu phát triển nguồn gen hải sâm vú

V.L

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) vừa nghiệm thu đề tài KH-CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen hải sâm vú Holothuria nobilis (Selenka, 1867)” thuộc Chương trình Quỹ gen cấp quốc gia do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm. Đề tài mở ra hướng nghiên cứu mới sản xuất hải sâm vú với quy mô công nghiệp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, hải sâm vú là một trong số loài hải sâm quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn lợi hải sâm nói chung và hải sâm vú nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng do nhu cầu sử dụng hải sâm làm thực phẩm tăng mạnh và việc quản lý, khai thác nguồn lợi chưa hợp lý. Ở Việt Nam, loài hải sâm vú nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Trong đó, 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận có nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng và là nơi phân bố của loài hải sâm vú. 

Nhận thấy được giá trị của hải sâm vú và tầm quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi đang cạn kiệt, đề tài nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen hải sâm vú được đề xuất thực hiện từ giai đoạn 2018-2023. Kết quả của đề tài là cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống nhân tạo, góp phần tái tạo quần đàn, bảo tồn gen và bảo vệ nguồn lợi; đồng thời hình thành và phát triển nghề nuôi hải sâm vú. Các nghiên cứu chính bao gồm: Nghiên cứu bổ sung một số đặc điểm sinh học sinh sản và sinh trưởng hải sâm vú, trong đó có định danh loài bằng phương pháp hình thái và sinh học phân tử; xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm hải sâm vú.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra nuôi hải sâm vú tại đảo Phú Quý, Bình Thuận.

Sau 60 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xác định được một số đặc điểm sinh sản của hải sâm vú. Theo đó, mùa vụ sinh sản của hải sâm vú khu vực biển Nam Trung Bộ từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, tập trung cao nhất từ tháng 4 đến tháng 6. Sức sinh sản của hải sâm vú tùy thuộc vào kích thước của hải sâm vú mẹ. Hải sâm bố mẹ có khối lượng 0,9 - 1,6kg có thể sinh sản 176.030 trứng. Đồng thời, đề tài đã xác định được hải sâm vú phân bố khu vực biển Nam Trung Bộ. Các cá thể hải sâm vú bố mẹ thu thập tại biển đảo Trường Sa được sử dụng nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm. Đề tài xây dựng được quy trình sản xuất giống nhân tạo loài hải sâm vú với các kết quả rất khả quan từ giai đoạn nuôi vỗ hải sâm vú bố mẹ, ương ấu trùng đến giai đoạn con giống đạt 2cm đều có tỷ lệ sống cao. Quy trình nuôi hải sâm vú được triển khai sản xuất thử tại cơ sở nghiên cứu và kết quả sản xuất được 20.200 con giống. Quy trình có tính ổn định cao, tỷ lệ ấu trùng phát triển thành con giống kích cỡ 2cm tương đối thành công. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm xây dựng tiêu chuẩn cơ sở hải sâm vú bố mẹ, hải sâm giống; con giống sản xuất nhân tạo được nuôi thử nghiệm thương phẩm tại vùng biển vịnh Vân Phong bằng hình thức nuôi lồng treo và vùng biển Phú Quý (Bình Thuận) bằng hình thức lồng chìm, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hải sâm vú đạt 100-120g/năm và tỷ lệ sống cao nhất ở mô hình lồng treo đạt 80%, năng suất 0,74kg/m3…

Thả giống hải sâm vú nuôi lồng trên vịnh Vân Phong
Thả giống hải sâm vú nuôi lồng trên vịnh Vân Phong.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá, đề tài đã xác định được các đặc điểm sinh sản và sinh trưởng của hải sâm vú phân bố khu vực biển Nam Trung Bộ; quy trình sản xuất giống nhân tạo nguồn gen hải sâm vú thành công với tỷ lệ sống từ ấu trùng đến con giống đạt 1,6%; xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở hải sâm vú bố mẹ và hải sâm vú giống… Qua đó, giúp nhà quản lý các cấp có được dữ liệu để xây dựng cơ sở pháp lý quản lý nguồn lợi hải sâm đánh bắt, khai thác và sản xuất con giống phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, người nuôi có được những thông tin về quy trình nuôi cơ bản để mở rộng sản xuất nuôi thương phẩm với quy mô công nghiệp, hạn chế người dân khai thác nguồn lợi hải sâm quý từ tự nhiên...

V.L