Thực hiện quy định Luật Giá, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với sách giáo khoa, nhằm tăng cường quản lý Nhà nước với sách giáo khoa.
Xây dựng mức giá trần của sách giáo khoa giảm mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa hiện nay. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Mức chiết khấu tác động đến giá sách
Thực hiện Kết luận số 563/TB-ĐGS ngày 28/7/2023 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã ký báo cáo giải trình của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình một số vấn đề, trong đó đáng chú ý nội dung về xã hội hoá sách giáo khoa (SGK).
Theo báo cáo của Chính phủ, xã hội hóa biên soạn SGK tại Nghị quyết 88, các đơn vị tham gia biên soạn SGK là cá nhân hoặc các tổ chức (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân). Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Tại các văn bản pháp luật này đã có các quy định về tài chính cho việc biên soạn sách nói chung và SGK nói riêng.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá, trong đó quy định SGK là mặt hàng do Nhà nước định giá. Cụ thể: "Thực hiện quy định này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với SGK. Việc quy định giá trần SGK là cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong biên soạn và sử dụng SGK. Đây là giải pháp quản lý giá SGK, giảm mức chiết khấu phát hành SGK".
Liên quan đến mức chiết khấu quá cao trong chi phí phát hành SGK lên giá, theo báo cáo của Chính phủ, quy định của Luật Giá 2012 và Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá quy định Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát nội văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các Nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.
Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành cho SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm 2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cụ thể như sau: 23% cho sách SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; 22,5% cho SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 21% cho SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Mức chiết khấu như vậy có tác động đáng kể đến giá SGK.
Hàng loạt văn bản giảm giá sách
Liên quan đến chính sách xã hội hóa biên soạn SGK, theo báo cáo giải trình của Chính phủ, quy định tại Khoản 3 Điều 32 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý toàn diện về SGK, từ khâu tổ chức xã hội hóa biên soạn SGK, thẩm định, phê duyệt nội dung SGK, phê duyệt Nhà xuất bản được phép xuất bản SGK, hướng dẫn lựa chọn, sử dụng SGK trong giảng dạy tại các nhà trường, thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản SGK.
Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, hiện trên cả nước có 7 Nhà xuất bản có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK.
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về các SGK giáo dục phổ thông, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá SGK của các đơn vị theo quy định pháp luật về giá và đã có 32 văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.
Theo đó, các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá SGK so với lần kê khai trước đó, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5% - 15% tùy từng cuốn sách.
Theo Chính phủ, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia nên sẽ có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, hình thức, nội dung.
Chính phủ cũng thừa nhận thời gian qua có một số bộ SGK mới có giá cao hơn so với bộ SGK theo chương trình cũ trước đây với các lý do: Khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ; chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí nhân công... tại thời điểm hiện tại đều tăng cao so với trước đây. Một số chi phí như chi phí bản thảo, nhuận bút lần đầu... trước đây được ngân sách Nhà nước chi trả nay không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nên đã được tính vào giá và phát sinh mới một số chi phí gắn với việc xã hội hóa như chi phí quảng bá, giới thiệu sách, lợi nhuận..
Ngoài ra, liên quan đến Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo. Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã có kết quả tích cực. Cụ thể, sau 4 năm thực hiện, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế; Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX; Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam VICTORIA), góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây sự tốn kém cho xã hội.
Theo Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin