Để hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện Khánh Sơn thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đang tập trung triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa huyện Khánh Sơn thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đang tập trung triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều công trình được đầu tư
Là một trong những huyện nghèo của cả nước, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của chính quyền, nhân dân địa phương, Khánh Sơn đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, trong giai đoạn 2021-2025, huyện được đầu tư nhiều công trình, dự án nhằm phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới. Tổng mức đầu tư của các chương trình khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện, riêng trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã và đang khởi công nhiều công trình trọng điểm thuộc các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và huyện, đặc biệt là nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng nguồn vốn triển khai trong năm khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, các công trình trọng điểm như: Nhà thiếu nhi huyện (tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng); kè chống sạt lở sông Tô Hạp đoạn qua xã Sơn Lâm và xã Thành Sơn (40 tỷ đồng); kè chống sạt lở xã Ba Cụm Bắc và xã Sơn Trung (40 tỷ đồng); xây dựng đường từ thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc đi thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp (25 tỷ đồng); xây dựng cầu Sơn Trung (40 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng đường liên xã Sơn Bình đi xã Sơn Hiệp (25 tỷ đồng); xây dựng đường từ thị trấn Tô Hạp đi thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp (40 tỷ đồng); xây dựng đường từ thôn Dốc Gạo đi thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình (40 tỷ đồng); xây dựng đường liên xã Thành Sơn đi xã Sơn Lâm (79 tỷ đồng); xây dựng cầu Hợp Tác ở xã Ba Cụm Bắc (26 tỷ đồng)…
Chú trọng chất lượng và tiến độ
Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết: “Các dự án triển khai trong năm 2023 là động lực cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội - văn hóa trên địa bàn huyện. Trong đó, một số dự án có tính chất liên kết vùng và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các vùng sản xuất, kết nối hài hòa giữa đường tỉnh, đường huyện và đường xã, giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, sản xuất nông sản, đồng thời phát triển các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp trên địa bàn… Vì vậy, địa phương hết sức chú trọng chất lượng, tiến độ các dự án này”.
Để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị làm chủ đầu tư từng dự án, nhất là người đứng đầu phải bám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ, nguồn vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đối với các đơn vị thi công xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế phải xác định rõ đây là các công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức đặc biệt của huyện nên đòi hỏi mỗi hạng mục đều phải bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; huy động nhân lực có kinh nghiệm, phương tiện đầy đủ để thực hiện bảo đảm chất lượng, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng thời gian quy định. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tuyên truyền sâu rộng cho người dân về ý nghĩa của các chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai trên địa bàn huyện, những dự án trọng điểm của các chương trình. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân để việc thực hiện dự án được thuận lợi, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình.
HẢI LĂNG