20:49, 17/04/2023

Điểm tựa để người khuyết tật vươn lên

VĂN GIANG

Nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm triển khai đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên, hòa nhập với cộng đồng. Vừa qua, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để tăng thêm kinh phí hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người khuyết tật nói riêng và các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.

Nguồn hỗ trợ thiết thực

Gia đình bà Bùi Thị Ái (đường Phòng Không, phường Phước Long, TP. Nha Trang) có hoàn cảnh khá éo le. Vợ chồng bà sinh được người con trai là Nguyễn Viết Nhất nhưng bị bại não bẩm sinh, mọi sinh hoạt hàng ngày phải trông nhờ vào người khác. Không chỉ vậy, ông Nguyễn Viết Lương - chồng bà trong một lần đi làm thuê ở công trình xây dựng không may bị một viên gạch rơi trúng đầu khiến ông bị tâm thần. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai bà Ái. Thấy được hoàn cảnh của gia đình bà, các cấp, ngành chức năng địa phương đã lập hồ sơ, thủ tục giám định và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật nặng cho ông Lương và đặc biệt nặng cho anh Nguyễn Viết Nhất, trên cơ sở đó thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng cho gia đình bà Ái. Hiện nay, ông Lương có mức trợ cấp 500.000 đồng/tháng, anh Nhất 900.000 đồng/tháng, bà Ái cũng được hưởng suất trợ cấp chăm sóc là 360.000 đồng/tháng. Bà Ái chia sẻ: “Khoản trợ cấp hàng tháng đã phần nào giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, thuốc men cho chồng, con. Tuy nhiên, giá cả thị trường ngày một tăng cao, tôi rất mong Nhà nước, địa phương nâng mức trợ cấp để có thêm điều kiện lo cho cuộc sống”.

Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 23.543 người khuyết tật, trong đó có 5.385 người khuyết tật đặc biệt nặng, 15.568 người khuyết tật nặng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Chính sách trợ giúp xã hội đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai chặt chẽ, đúng đối tượng, là nguồn hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố đều chủ động triển khai rà soát trong cộng đồng về các trường hợp người khuyết tật. Từ đó, kịp thời thẩm định, giám định mức độ khuyết tật để đưa ra hội đồng xét duyệt cấp giấy chứng nhận, thực hiện các chính sách trợ giúp.

 
Dạy nghề mộc cho người khuyết tật tại huyện Diên Khánh.
Dạy nghề mộc cho người khuyết tật tại huyện Diên Khánh.

Nâng mức trợ giúp 

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Nghị định số 20, ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh đang áp dụng là 360.000 đồng/tháng. Qua khảo sát cho thấy, mức chuẩn trợ cấp này còn thấp, chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu mức sống tối thiểu của đối tượng bảo trợ xã hội. Trong khi đó, phần lớn đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là người khuyết tật. Đây là nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng không có khả năng lao động, tạo thu nhập, chỉ phụ thuộc vào khoản trợ cấp hàng tháng. Chính vì vậy, sở đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 400.000 đồng/tháng. Mức chuẩn này là căn cứ để xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và mức trợ cấp khác theo quy định hiện hành của Chính phủ. Các ngành chức năng và địa phương đang gấp rút triển khai các bước để áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội mới của tỉnh. 

Bên cạnh đó, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật. Đồng thời, triển khai sâu rộng, hiệu quả các chính sách trợ giúp người khuyết tật trong các lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, trợ giúp pháp lý...; tích cực huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là người khuyết tật…

Mỗi năm, ngành Y tế tỉnh đã triển khai thăm khám cho gần 4.000 người khuyết tật để hướng dẫn phục hồi tại cộng đồng; phẫu thuật và cung cấp các dụng cụ chỉnh hình cho hàng trăm người khuyết tật; huy động hơn 64% trẻ em khuyết tật ra lớp; hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 300 người khuyết tật; trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho hơn 200 lượt người khuyết tật…

VĂN GIANG