Qua nhiều năm sử dụng, cơ sở vật chất Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng. Ngày 19-10-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 117 về chủ trương đầu tư Dự án Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho trung tâm. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai do có nhiều vướng mắc.
Qua nhiều năm sử dụng, cơ sở vật chất Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng. Ngày 19-10-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 117 về chủ trương đầu tư Dự án Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho trung tâm. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai do có nhiều vướng mắc.
Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng
Theo quan sát của chúng tôi, dãy phòng ở của người cao tuổi và trẻ em mồ côi, khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói bị vỡ, tuột nên mỗi khi có mưa, nước dột xuống làm mục, gãy, cong, vênh hệ thống kèo, dàn gỗ mái trần nhà; toàn bộ la phông trần nhà bị bong gãy, hư hỏng nặng; nhiều vị trí tường nhà bị thấm nước, bong tróc lớp vữa lòi kết cấu gạch, sắt thép bên trong. Hệ thống cửa chính các phòng ở bị mối mọt, hư bản lề, xập xệ khó đóng mở; toàn bộ cửa sổ các phòng ở bị hoen gỉ. Toàn bộ hạng mục tường rào có nhiều đoạn đã xây dựng cách đây hơn 40 năm nên xuống cấp và sập đổ nhiều vị trí, không đảm bảo an ninh.
Bên cạnh đó, hệ thống điện được lắp đặt lộ thiên, qua nhiều năm sử dụng không còn đảm bảo an toàn. Đường ống nước sinh hoạt lâu ngày bị nứt, bể rò rỉ gây thất thoát, lãng phí. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt chưa được đầu tư đúng quy định. Đã vậy, hệ thống nước thải xây dựng lộ thiên, sát với dãy nhà ở, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Bà Đặng Thị Thủy Tiên - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, trung tâm được xây dựng từ lâu nên giờ đây bị trũng thấp hơn các nhà dân xung quanh. Vì vậy, vào mùa mưa, nước từ bên ngoài tràn vào gây ngập toàn bộ khu vực nhà ở, làm hư hỏng đồ đạc, ảnh hưởng đến sức khỏe của các đối tượng. Các trang thiết bị phục vụ hoạt động, chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho đối tượng đã đầu tư lâu năm, bị hư hỏng không thể sử dụng. Nhiều lần trung tâm đã dùng nguồn kinh phí chi phục vụ cho đối tượng hàng năm để sửa chữa tạm thời các phòng ở; thường xuyên di chuyển đối tượng sang khu vực khác nuôi dưỡng nhưng vẫn không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, theo kết quả kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng, hạng mục nhà ở của đối tượng người cao tuổi và khuyết tật nằm trong danh mục các công trình xuống cấp, nguy hiểm, mất an toàn…
Cần sớm bố trí vốn để triển khai dự án
Ngày 19-10-2021, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 117 về chủ trương đầu tư Dự án Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện các bước để triển khai dự án theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công do chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng và sử dụng diện tích công trình sự nghiệp; chưa xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện dự án; chưa hoàn thiện việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thẩm tra báo cáo này; chưa hoàn thiện các giải pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy…
Đầu tháng 3-2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 117. Qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy, đây là dự án rất cấp thiết, cần sớm được triển khai. Do vậy, ban đề nghị các đơn vị có liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án nhằm đảm bảo thời gian và chất lượng phục vụ nuôi dưỡng các đối tượng.
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho biết, ban đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan góp ý quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp và tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị cho trung tâm. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi gửi Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng Khánh Hòa thẩm tra, trình Sở Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét bố trí vốn để sớm thực hiện dự án đảm bảo đúng thời gian.
Theo ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, do cơ sở bị xuống cấp nên nhiều năm qua, việc triển khai Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc người cao tuổi tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh” không thể triển khai, trong khi nhu cầu rất lớn. Vì vậy, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn cho các đối tượng. Qua đó, trung tâm mới có thể triển khai mở rộng chăm sóc đối tượng tự nguyện, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh quản lý, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề và phục hồi chức năng cho 102 đối tượng là người cao tuổi không nơi nương tựa; người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật và nhóm các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, lang thang xin ăn. |
VĂN GIANG