11:03, 05/03/2023

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị, địa phương bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự, người lao động tìm được việc làm phù hợp.

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị, địa phương bàn giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nhân sự, người lao động tìm được việc làm phù hợp.


Kết nối chưa hiệu quả


Ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, từ kết quả thu thập, thống kê và phân tích thị trường lao động cho thấy, trong quý I/2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, trung bình hơn 2.000 lao động/tháng. Phần lớn các DN tuyển dụng lao động ở các ngành nghề, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe có động cơ; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản… Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng có nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đang cần tuyển khoảng 2.500 lao động và nhu cầu nhân lực của tập đoàn này dự kiến sẽ tăng lên hơn 9.000 người vào tháng 9-2023.

 

Người lao động gặp gỡ doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm.

Người lao động gặp gỡ doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm.


Nhu cầu tuyển dụng lớn trong khi các DN không yêu cầu khắt khe đối với các vị trí tuyển dụng. Thế nhưng, người lao động lại đang rất dè dặt tìm kiếm việc làm, trong đó có một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, nhất là nhóm lao động trẻ. Mặc dù Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã mở các phiên giao dịch việc làm trực tiếp đến cơ sở, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận; thực hiện kế hoạch truyền thông và thông tin nhu cầu tuyển dụng của DN đến các xã, phường, thị trấn trong khu vực nhưng vẫn khó tìm đủ lao động theo nhu cầu của các DN, kể cả lao động phổ thông.


Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, qua dữ liệu tổng hợp thu thập lao động vào cuối năm 2022 cho thấy, toàn tỉnh có 815.745 người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó, 582.030 người đã có việc làm; 223.981 người không tham gia hoạt động kinh tế (đi học 71.540 người, hưu trí 25.393 người, nội trợ 58.877 người, khuyết tật 12.141 người, khác 56.030 người); 9.734 người thất nghiệp. Điều này cho thấy, nguồn cung lao động thất nghiệp và lao động nội trợ, lao động khác chưa được khai thác triệt để nhằm cung ứng cho các DN. Các giải pháp kết nối cung - cầu vẫn chưa hiệu quả; các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn chưa thực sự quan tâm vào cuộc quyết liệt để triển khai các giải pháp giải quyết việc làm, tuyên truyền mạnh mẽ đến người lao động. Các sàn, phiên giao dịch việc làm còn rất hạn chế thông tin, tuyên truyền để người lao động biết, tham gia tìm kiếm cơ hội, kết nối việc làm…


Đưa ra nhiều giải pháp


Bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, công tác tuyên truyền về việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các DN chưa thực sự sâu rộng đến thôn, tổ dân phố, người dân. Đặc biệt, thông tin về tổ chức các sàn, phiên giao dịch việc làm để kết nối trực tiếp DN gặp gỡ người lao động chưa mạnh. Do vậy, các đơn vị chuyên môn, ngành chức năng cần tuyên truyền đa dạng, sâu rộng, đậm nét và tạo dấu ấn hơn nữa đến người dân. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội để truyền tải thông tin đến người lao động; kết nối với các nhà mạng nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội để người dân biết nhu cầu tuyển dụng. Cùng với đó, cần cung cấp rõ ràng về yêu cầu, mức lương, phúc lợi của DN có nhu cầu tuyển dụng để người lao động tìm hiểu, lựa chọn.     


Theo đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, nhiều người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn có tâm lý ngại đi làm xa; họ chỉ muốn làm những công việc không bị ràng buộc về thời gian, sáng làm, chiều nhận tiền công để lo cho gia đình. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của họ. Đặc biệt, các chính sách xuất khẩu lao động dành cho người dân trên địa bàn lớn, nhưng lại rất ít người tham gia. Do đó, cần đổi mới cách tuyên truyền, vận động bằng việc chọn những người địa phương đã từng đi xuất khẩu lao động để làm gương, cùng với già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền cho họ thay đổi nhận thức...


Ông Chu Văn Công cho biết, đơn vị đã lên kế hoạch đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền, kết nối cung - cầu lao động. Do vậy, thời gian đến, đơn vị sẽ cử cán bộ, nhân viên trực tiếp đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn để tuyên truyền và thông tin nhu cầu tuyển dụng cho người dân; tăng cường tư vấn việc làm mới cho lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; chú trọng thu thập, phân tích nhu cầu tuyển dụng, việc làm và ứng dụng công nghệ để lan truyền thông tin người tìm việc, việc tìm người. Bên cạnh đó, tăng cường mở các phiên giao dịch việc làm đến cơ sở; đồng thời mở rộng phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành để thu hút lao động ngoài tỉnh cung ứng cho DN…


Ông Tạ Hồng Quang nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là khi tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư và nhiều hoạt động kích cầu du lịch diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6-2023… Chính vì vậy, sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nâng cao công tác điều tra cung - cầu lao động thật chính xác. Trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp kết nối việc làm phù hợp cho số lao động chưa có việc làm phát hiện qua điều tra. Đồng thời, sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ trực tiếp với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến góp ý để có sự phối, kết hợp trong kết nối việc làm thường xuyên, chặt chẽ, sâu rộng hơn…


VĂN GIANG