Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phòng bệnh dại trên súc vật, với hơn 77% đàn chó, mèo được tiêm phòng dại hàng năm. Giai đoạn tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức của chủ vật nuôi trong việc phòng bệnh dại; kê khai, đăng ký chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương.
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phòng bệnh dại trên súc vật, với hơn 77% đàn chó, mèo được tiêm phòng dại hàng năm. Giai đoạn tới, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức của chủ vật nuôi trong việc phòng bệnh dại; kê khai, đăng ký chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương.
Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo đạt cao
Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 55.000 con chó, mèo được người dân nuôi với mục đích giữ nhà, làm cảnh, thú cưng… Chó, mèo hầu hết được thả rông trong vườn, nhà, chủ yếu là giống chó địa phương, giống chó vàng, mèo mướp, mèo tam thể; một số ít là giống chó Phú Quốc, Becgie, Chihuahua, Husky, Bắc Kinh, Alaska, Pug, Poodle, Dachshund, mèo Anh... Nhận định trong thời gian tới, đàn chó, mèo không biến động nhiều về số lượng, nhưng có xu hướng tăng đối với đối tượng nuôi làm cảnh, thú cưng ở khu vực đồng bằng và nuôi giữ nhà ở khu vực miền núi.
Theo thống kê, giai đoạn 2017 - 2022, hàng năm, có hơn 77% chó, mèo được tiêm phòng bệnh dại; toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp bệnh dại nào xảy ra trên chó, mèo và trên người. Có được kết quả này là nhờ tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả hàng loạt giải pháp, như: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân trong phòng, chống bệnh dại; giám sát tốt bệnh dại động vật; triển khai các phương án điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch kịp thời; kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển chó, mèo. Ngân sách nhà nước cũng dành hơn 1 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiêm phòng dại trên chó, mèo của người dân ở khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng dại hàng năm.
Nỗ lực không để xảy ra bệnh dại
Trên thực tế, ý thức của một số chủ nuôi chó, mèo chưa cao. Tình trạng chó, mèo thả rông ngoài đường, khu vực đông người vẫn còn khá phổ biến. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay, vẫn còn khoảng 70% chủ vật nuôi chưa thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa triển khai lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại chưa đạt kết quả như mong đợi.
Theo báo cáo kết quả Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương không có người tử vong do bệnh dại. Mục tiêu chính của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 tại Khánh Hòa là không để xảy ra bệnh dại trên đàn chó, mèo và không có người tử vong vì bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh dại của chủ vật nuôi và làm tốt nội dung kê khai, đăng ký chó, mèo. Đối với chủ vật nuôi, theo quy định phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; chó nuôi tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Chủ vật nuôi phải chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định; chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, quản lý được hơn 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi, đến năm 2030 hơn 90%. Giai đoạn 2026 - 2030, hơn 80% đàn chó, mèo được tiêm vắc xin dại; giám sát được 100% chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trong cả giai đoạn 2022 - 2030; xây dựng thành công ít nhất 1 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện. |
HỒNG ĐĂNG