Theo Luật sư Nguyễn Thiện Hùng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật UBMTTQ Việt Nam tỉnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có sự thay đổi về bố cục so với luật hiện hành, các chương mục được sắp xếp hợp lý, nhiều nội dung trình bày cụ thể, kết cấu các điều, khoản hợp lý. Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn còn một số nội dung cần điều chỉnh phù hợp hơn.
Theo Luật sư Nguyễn Thiện Hùng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật UBMTTQ Việt Nam tỉnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có sự thay đổi về bố cục so với luật hiện hành, các chương mục được sắp xếp hợp lý, nhiều nội dung trình bày cụ thể, kết cấu các điều, khoản hợp lý. Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn còn một số nội dung cần điều chỉnh phù hợp hơn. Trong đó, cần tách bạch hai loại đất, đất quốc phòng, an ninh và đất phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bởi, hai loại đất này có mục đích sử dụng hoàn toàn khác nhau, đất quốc phòng, an ninh rất dễ phân biệt, khi thu hồi đất vì mục đích này người bị thu hồi đất dễ dàng đồng thuận, còn đất vì lợi ích công cộng có thể ẩn chứa những dấu hiệu khó phân biệt, thường có sự đan xen lợi ích riêng trong đó. Đối với các dự án có sử dụng đất, cần có chế tài xử phạt dự án chậm tiến độ, mức độ xử lý cần được quy định trong luật; đồng thời, xem lại quy định thời hạn 5 năm, vì còn tuỳ thuộc quy mô lớn nhỏ và tiến độ của dự án.
Về một số điều luật cụ thể, Luật sư Nguyễn Thiện Hùng cũng cho biết, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là vấn đề luôn được quan tâm nhất của người dân và có nhiều vướng mắc. Theo dự thảo luật, nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tinh thần này đã được thể hiện ở các Luật Đất đai ban hành trước đây cũng như luật hiện hành nhưng vẫn còn nhiều bức xúc của người dân. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để hiện thực hóa chính sách này trên thực tế đời sống chứ không chỉ dừng lại ở trên giấy tờ. Cần bổ sung vào luật thêm một khoản bồi thường nữa cho người bị thu hồi đất, bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở, đó là bồi thường các tổn thất khác, như: Khó khăn về chỗ ở, việc làm, đời sống và cả mệt mỏi về tinh thần… Đối với những đối tượng không còn khả năng lao động nên chăng cần một nguồn quỹ để hỗ trợ cho họ đảm bảo đời sống.
Đối với giá đất, luật đưa ra các nguyên tắc, như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Đề nghị, trong dự thảo luật cần làm rõ “các yếu tố khác”. Bởi những yếu tố ảnh hưởng đến giá đất là cái lượng định được, nhìn thấy được nên cần nói rõ trong luật để việc áp dụng được thống nhất, tránh sự vận dụng tùy tiện. Ngoài ra, việc tư vấn xác định giá đất có vai trò rất quan trọng khi xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và giá đất cụ thể; khi giải quyết khiếu nại về giá đất. Tuy nhiên, trong dự thảo (Điều 157) chưa có quy định về tổ chức và cũng không rõ đối tượng, tiêu chuẩn nào được chọn làm tư vấn. Đối với bảng giá đất, quy định tại Điều 154, bảng giá đất được ban hành hàng năm là phù hợp, nhằm tạo sự ổn định trong lĩnh vực quản lý đất đai trước sự biến động của giá đất trên thị trường. Tuy vậy, cần có quy định trong trường hợp có sự biến động giá đất trên thị trường ở mức đáng kể thì bảng giá đất cũng cần được điều chỉnh thích ứng.
Một trong những nội dung khác của dự thảo luật cũng được nhiều người quan tâm đó là, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Dự thảo luật đã mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng và không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Quy định này phù hợp, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và huy động được nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, để giúp ổn định đời sống nông dân, đề nghị trong phương án sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế nên có nội dung giải quyết việc làm cho người có đất chuyển nhượng khi họ có nhu cầu…
C. VÂN (Lược ghi)