10:10, 09/10/2022

Vạn Ninh: Nỗ lực giảm nghèo

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, giúp cho nhiều hộ vươn lên, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện còn phát động phong trào thi đua vì người nghèo nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương.

Thời gian qua, huyện Vạn Ninh đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, giúp cho nhiều hộ vươn lên, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện còn phát động phong trào thi đua vì người nghèo nhằm huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương.


Triển khai tốt các chính sách

 

Trước đây, gia đình bà Trần Thị Ngọc Sáng (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) thuộc hộ nghèo. Gia đình 4 người chỉ nhờ vào việc làm thuê của chồng và gánh hàng rong của bà Sáng ở chợ cá. Vì vậy, cuộc sống gia đình bà Sáng gặp nhiều khó khăn, căn nhà cũ không có tiền sửa chữa. Bà Sáng đã được vay 50 triệu đồng nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư lồng bè nuôi tôm hùm và cá bớp. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và tích lũy, đến nay, gia đình bà đã phát triển được hơn 20 ô lồng nuôi tôm, cá; mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Từ đó, gia đình bà thoát nghèo, con cái có điều kiện ăn học, nhà cửa được xây dựng khang trang. Bà Sáng chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương mà gia đình tôi đã thoát nghèo, biết cách làm ăn hiệu quả. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong trời yên, biển lặng để nghề nuôi thủy sản của gia đình và người dân tiếp tục phát triển”…

 

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Vạn Thọ.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Vạn Thọ.

 

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, địa phương luôn quan tâm đến công tác giảm nghèo. Đầu năm 2022, toàn huyện có 781 hộ nghèo với 2.207 nhân khẩu, chiếm 2,16% tổng số hộ. Trong năm 2022, huyện đặt mục tiêu giảm 69 hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, huyện đã giao chỉ tiêu cho 13 xã, thị trấn; đồng thời tập trung nghiên cứu, vận dụng và triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và địa phương; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Bên cạnh đó, huyện rà soát nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 32 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trình cấp trên xem xét hỗ trợ. Huyện cũng đã phối hợp với các ngành hỗ trợ cho 30 hộ ngư dân bị thiệt hại do lốc xoáy với số tiền 315 triệu đồng. Đặc biệt, toàn huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho 8.862 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19 với số tiền 4,4 tỷ đồng. Nhờ đó, đến ngày 30-9, toàn huyện đã giảm được 50 hộ nghèo, đạt 73,68% chỉ tiêu. Với việc triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách, huyện phấn đấu đến cuối năm vượt chỉ tiêu giảm số hộ nghèo đề ra…

 

Mô hình hỗ trợ nuôi bò tại huyện Vạn Ninh đã tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên.

Mô hình hỗ trợ nuôi bò tại huyện Vạn Ninh đã tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên.


Phát động thi đua giúp đỡ người nghèo


Ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Theo đó, huyện đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo; huy động các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hỗ trợ địa phương và hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.


Bên cạnh đó, huyện chú trọng hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.


Mặt khác, các xã, thị trấn triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo với lộ trình phù hợp; gắn phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Mặt trận và các đoàn thể tăng cường vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua giảm nghèo gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; lồng ghép các chương trình mục tiêu, hoạt động của đơn vị mình nhằm tạo sức mạnh tổng hợp cho kế hoạch giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tham gia giám sát các chính sách, dự án về giảm nghèo; kiểm tra đánh giá việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai từ cơ sở…


VĂN GIANG