10:10, 24/10/2022

Đồng hành với phụ nữ khởi nghiệp

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định khả năng của mình và làm giàu chính đáng.

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm chủ cuộc sống, khẳng định khả năng của mình và làm giàu chính đáng.


Tạo môi trường giao lưu, học hỏi


Mới đây, Hội LHPN huyện Cam Lâm tổ chức hội chợ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” với chủ đề “Ngày hội khởi nghiệp phụ nữ - Kết nối sản phẩm OCOP” năm 2022. Tại ngày hội, có 53 gian hàng giới thiệu, kết nối, mua bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh.

 

Nhiều gian hàng do phụ nữ làm chủ tham gia hội chợ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 tại huyện Cam Lâm.

Nhiều gian hàng do phụ nữ làm chủ tham gia hội chợ “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 tại huyện Cam Lâm.


Tham gia hội chợ với gian hàng lưu niệm thủ công, bà Ngô Thị Trung (thị trấn Cam Đức, Cam Lâm) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, tôi đã tham gia hội chợ để học hỏi thêm kiến thức về kinh doanh. Đây cũng là dịp để tôi quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng trong tỉnh; đồng thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm”.


Bà Hà Thị Hải Yến - giảng viên Trường Đại học Nha Trang tham gia hội chợ với sản phẩm nước rửa tự nhiên và tinh dầu T&Y. Bà cho biết: “Hội chợ giúp tôi có cơ hội lan tỏa đến người dùng những cảm nhận thật nhất về sản phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, về việc sử dụng sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đến các chị em hướng phát triển sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường”.


Theo bà Võ Thị Thu Oanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lâm, ngày hội nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm khởi nghiệp thiết thực của hội viên, phụ nữ ở tất cả lĩnh vực sản xuất. Đây là dịp để hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.


Tiếp thêm nhiều cơ hội


Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939), 5 năm qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động, như: Cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” cấp tỉnh; diễn đàn “Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp và sáng tạo”; giao lưu “Phụ nữ Khánh Hòa khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”; tọa đàm “Xây dựng ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”. Các cấp hội đã tổ chức 115 lớp tập huấn cho 2.160 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại; hỗ trợ tiếp cận vốn giúp 415 hội viên có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự… Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) cho biết, năm 2013, Tổ hợp tác Bánh tráng kẹo dừa xã Vạn Long chỉ có 7 lao động nữ tham gia sản xuất, với số vốn 20 triệu đồng vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Từ chỗ cung cấp sản phẩm nhỏ lẻ, đến nay, sản phẩm của tổ đã vươn ra các địa phương khác như: TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và các tỉnh: Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Hiện nay, tổ giải quyết việc làm ổn định cho hơn 30 lao động nữ, thu nhập bình quân mỗi tháng 2,5-3 triệu đồng/người. Thời gian tới, tổ sẽ đầu tư thêm trang thiết bị, thành lập doanh nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.


Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, hội tiếp tục chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Cùng với đó, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 

Thực hiện Đề án 939, trong 9 tháng qua, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh cho hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; giới thiệu 40 lượt doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tham gia gian hàng tại các phiên chợ, lễ hội, hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP; cử 150 cán bộ, hội viên đang khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tham gia các hội thảo chuyên đề thuộc Chương trình Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022. Các cấp hội tiếp tục duy trì hoạt động của 2 hợp tác xã và các tổ hợp tác đã có; phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề ở các địa phương đào tạo nghề may, nấu ăn, đan móc, trồng nấm cho 1.434 hội viên; giới thiệu 1.127 hội viên, phụ nữ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.


MINH TÂM