Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn kéo dài , sáng 27-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các phương án chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn kéo dài, sáng 27-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT - TKCN và PTDS) tỉnh Khánh Hòa đã có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các phương án chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS Khánh Hòa đề nghị Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở; bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, Công an Khánh Hòa và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Sở Giao thông vận tải Khánh Hòa phối hợp với Công an Khánh Hòa và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở do mưa lũ. Các sở, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình khi có mưa lũ lớn, đặc biệt là đảm bảo an toàn người lao động và người dân trong khu vực xây dựng công trình; tổ chức gia cố giằng néo các phương tiện, trang thiết bị và bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình do mưa lũ gây ra.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến mưa lũ, tính toán lưu lượng nước về hồ, đánh giá tình hình ngập lụt vùng hạ du để điều tiết, xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du.
Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét và thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa và các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
H.Đ