Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma túy, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội, giúp người nghiện ma túy nhận ra lỗi lầm để làm lại cuộc đời…
Những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma túy, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội, giúp người nghiện ma túy nhận ra lỗi lầm để làm lại cuộc đời…
Triển khai nhiều biện pháp
Theo ông Phạm Thái Đài - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của ngành và chính quyền các cấp, công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sau khi cai nghiện ma túy trên địa bàn đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chế độ, chính sách, tạo thuận lợi cho công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về hiểm họa ma túy, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân về phòng, chống ma túy được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Từ năm 2019 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho gần 300 cộng tác viên; tuyên truyền tại cộng đồng, trường học; phát hành 3.000 sổ tay “Vì một xã hội tốt đẹp hãy cùng nhau ngăn chặn ma túy”.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận cai nghiện ma túy cho 1.220 người. Hầu hết học viên khi vào cơ sở đều được kiểm tra sức khỏe, phân nhóm để có biện pháp điều trị, giáo dục, tư vấn phù hợp. Như trường hợp T.V.L (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh) bị bạn lôi kéo, không làm chủ được bản thân nên đã sa vào ma túy. Đầu năm 2022, L. được địa phương đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Tại đây, được cán bộ cơ sở giúp đỡ, L. nhận thấy được tác hại của ma túy và thêm quyết tâm cai nghiện. L. chia sẻ: “Hàng ngày, tôi được điều trị cắt cơn, giải độc, tham gia lao động trị liệu, học nghề… Nhờ đó, hiện nay tôi không còn cảm thấy thèm thuốc, sức khỏe cũng nâng lên rất nhiều. Tôi sẽ cố gắng cai nghiện để sớm trở về với gia đình và làm lại cuộc đời”…
Ngoài điều trị theo quy trình, cơ sở còn phối hợp với các trường nghề mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho 340 học viên đủ điều kiện. Sau khi hết thời hạn cai nghiện trở về cộng đồng, họ được địa phương hỗ trợ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã xuống cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu về nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của học viên. Việc tuyển dụng viên chức công tác gắn bó lâu dài với đơn vị rất khó khăn, dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu viên chức để bố trí vào công tác quản lý học viên, ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn, lao động trị liệu và dạy nghề. Cơ sở cũng không tuyển dụng được bác sĩ nên ảnh hưởng đến công tác y tế, điều trị cho học viên. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là cơ sở công lập nên các địa phương khó khăn, lúng túng trong việc chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng...
Ông Phạm Thái Đài cho biết, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ công tác phòng, chống, cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ma túy. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung vào các xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, các nhóm người có nguy cơ cao; chú trọng tuyên truyền tại các trường học nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng phòng tránh ma túy, tạo môi trường học tập lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định mới. Các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân phòng ngừa, cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện để giảm tác hại của sử dụng ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...
Toàn tỉnh đã xây dựng 12 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Các điểm đã tổ chức tư vấn cho 1.371 lượt cá nhân, 147 lượt nhóm và 709 lượt gia đình có người nghiện; hỗ trợ điều trị cho 42 người nghiện. Ngoài ra, việc thành lập 61 đội công tác xã hội tình nguyện đã phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho công tác cai nghiện và quản lý người nghiện tại cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, đội đã tuyên truyền, hỗ trợ cho 1.073 người nghiện; hỗ trợ đưa đi cai nghiện và điều trị Methadone cho 263 người... |
PHÚ AN