Quyết tâm vươn lên, chịu khó học hỏi, nỗ lực lao động và được hỗ trợ kịp thời - đó như là "công thức" thoát nghèo của những hội viên, nông dân trong những năm qua. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân.
Quyết tâm vươn lên, chịu khó học hỏi, nỗ lực lao động và được hỗ trợ kịp thời - đó như là “công thức” thoát nghèo của những hội viên, nông dân trong những năm qua. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân.
Vươn lên từ gian khó
Hơn 5 năm trước, gia đình bà Lương Thị Triều ở thị trấn Diên Khánh có hoàn cảnh khó khăn. Chồng mất sớm, một mình bà gồng gánh làm thuê để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Năm 2017, bà được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà do Hội Nông dân tổ chức và nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện gia đình. Bà được Hội Nông dân huyện bảo lãnh vay 20 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư nuôi gà. Nhờ quyết tâm thoát nghèo, chịu khó học hỏi, thu nhập của gia đình bà đã ổn định, nâng lên. Đến nay, gia đình bà đang sản xuất trên 1ha lúa, 2ha hoa màu, chăn nuôi 5.000 con gà… Bà cũng mua sắm 1 máy cày, 4 máy bơm phục vụ sản xuất. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo, vươn lên mức khá với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng; các con được chăm lo học hành đầy đủ, trong đó một người con đã là cử nhân, người còn lại đang học đại học.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh Ngộ ở xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh) từng thuộc diện hộ nghèo với thu nhập từ 2 sào ruộng không thể đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 con ăn học. Năm 2015, bà tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò do Hội Nông dân tổ chức và được hội tín chấp cho bà vay ngân hàng 20 triệu đồng để mua 1 con bò cái sinh sản, anh em thân thuộc hỗ trợ cho vay mua thêm 2 con bò thịt để bà “khởi nghiệp” với mô hình nuôi bò. Nhờ chịu khó, biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, đến nay, nhà bà đã phát triển đàn bò lên 16 con, 100 con gà, trồng rau màu trên diện tích 5.000m2 và thuê thêm ruộng để trồng lúa. Tất cả mang về thu nhập cho gia đình bà 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo vào năm 2018. Các con bà đều được học hành đầy đủ, trong đó 1 người con đã tốt nghiệp đại học, 2 người con đang học đại học.
Ở huyện Khánh Sơn, tấm gương thoát nghèo của hộ nông dân Mấu Quốc Hội ở thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp đáng để nhiều người học hỏi. Năm 2013, ông Hội được Hội Nông dân thị trấn Tô Hạp tín chấp để vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư chuyển đổi vườn tạp sang trồng 100 cây sầu riêng. Khi sầu riêng chưa cho thu hoạch, ông trồng xen dứa và 3 sào mía tím, vừa có thu nhập trang trải hàng ngày, vừa tích cóp tiền để mua phân bón, máy bơm chăm sóc sầu riêng. Năm 2018, ông được Hội Nông dân cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để trồng thêm 200 cây sầu riêng. Thời điểm này, 100 cây sầu riêng được trồng trước đó bắt đầu cho quả, mang lại thu nhập tốt, càng khiến ông có động lực chăm chỉ làm ăn, đầu tư công sức, phân bón chăm sóc cây sầu riêng phát triển tốt. Đến năm 2021, sầu riêng và mía tím đã cho gia đình ông thu nhập 440 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, ông còn giúp đỡ một số hộ khác cùng thoát nghèo, chăm lo cho con theo học đại học.
Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực của hộ nghèo, các cấp Hội Nông dân đã vận động nông dân giỏi, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ hộ nghèo; trong đó mỗi chi hội giúp đỡ 2-3 hộ nghèo về vốn, vật tư, cây con giống… Trong 5 năm qua, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân giúp cho 30.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp hơn 4.500 hộ nghèo, cận nghèo về cây, con giống, 3.500 tấn phân bón, 35.000 ngày công lao động… với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giảm được 1.300 hộ nông dân nghèo giai đoạn qua.
Bà Hạnh cho biết: “Động viên, đồng hành, thúc đẩy ý chí vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân các cấp trong thời gian tới. Trong đó, quan tâm tìm kiếm và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ để thoát nghèo. Ngoài ra, hội cũng tập trung làm tốt công tác vận động đoàn kết giúp nhau giảm nghèo trong nông dân bằng nhiều hình thức như hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hộ nghèo; vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hộ nghèo về kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn, giải quyết việc làm, vốn, vật tư, phương tiện sản xuất; thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã và các tổ, hội nghề nghiệp tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hồng Đăng