Từ sau vụ sạt lở núi Xanh kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2016 ở thôn Phước Lộc (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định thu hồi đất đợt 1 các trường hợp có đất và nhà bị vùi lấp, tuy nhiên còn thiếu sót trường hợp của bà Huỳnh Ngọc Thủy...
Từ sau vụ sạt lở núi Xanh kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 2016 ở thôn Phước Lộc (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định thu hồi đất đợt 1 các trường hợp có đất và nhà bị vùi lấp, tuy nhiên còn thiếu sót trường hợp của bà Huỳnh Ngọc Thủy. Gần 6 năm qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ, bồi thường cho bà Thủy theo quy định.
Gần 6 năm chờ đợi
Theo hồ sơ của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang, cuối tháng 12-2016, toàn bộ khu vực sát chân núi thuộc thôn Phước Lộc bị sạt lở, chôn vùi nhiều nhà dân và trang trại chăn nuôi. Riêng hộ bà Thủy bị chôn vùi 750m2 đất cùng trang trại nuôi heo khoảng 1.000 con. Ngay sau đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Nha Trang thực hiện công tác thu hồi đất, di dời và bố trí tái định cư cho các hộ dân bị sạt lở. Đầu năm 2017, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định thu hồi đất 10 trường hợp đợt 1, đồng thời gọi 10 hộ lên xác minh, bồi thường và bố trí tái định cư tại khu tái định cư Đất Lành (xã Vĩnh Thái, Nha Trang). Thời điểm đó, có 11 hộ có đất và nhà bị vùi lấp hoàn toàn, trong đó có hộ của bà Thủy, nhưng bà không được UBND xã Phước Đồng gọi lên xác minh.
Bà Thủy cho biết, do chờ đợi quá lâu nên gia đình bà đã nhiều lần gửi đơn đến Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang và UBND xã Phước Đồng, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đền bù. Tuy các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất đã bị chôn vùi nhưng UBND xã Phước Đồng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang đã xác minh và có báo cáo xác nhận gia đình bà có đất và trại nuôi heo tại khu vực bị sạt lở. Hiện nay, gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, vì đất để chăn nuôi không còn, không có nguồn thu nhập để nuôi con ăn học, trong khi đó thời điểm nuôi heo bà phải thế chấp nhà ở để vay vốn ngân hàng.
Ông Vũ Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở, trung tâm đã phối hợp với UBND xã Phước Đồng mời các hộ dân có đất và nhà bị chôn vùi tới hiện trường để cùng xác định ranh giới và ký vào biên bản. Thiếu sót của xã là không mời bà Thủy đến cùng xác định để ký xác nhận. Sau này, khi phát hiện sót trường hợp bà Thủy, trung tâm và xã đã mời bà Thủy đến để xác nhận ranh giới nhưng bà không chỉ ra được, bởi khối đất đá sạt từ núi xuống quá lớn. Để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, hồ sơ phải xác định được hiện trạng sử dụng đất, ranh giới cụ thể, có ký xác nhận của các chủ đất giáp ranh. 10 trường hợp đã bồi thường cũng bị vùi lấp, không xác định được ranh giới đất, nhưng thời điểm đó, 10 chủ đất đến cầm dây căng để cán bộ trung tâm chấm định vị, xác định ranh và cùng ký vào biên bản để tránh kiện tụng về sau. Về trường hợp bà Thủy cần phải xác định được ranh, sau đó phải mời các chủ đất giáp ranh đến ký không tranh chấp. Đầu tháng 7, trung tâm đã yêu cầu xã Phước Đồng mời các hộ dân trước kia sống ở khu vực sạt lở, nhưng phương án này không khả quan bởi vì nhiều trường hợp sau khi được cấp đất tái định cư đã sang nhượng cho người khác và hiện nay không biết họ sinh sống ở đâu. Trong cuộc họp giao ban tuần mới đây, UBND TP. Nha Trang đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang rà soát lại hồ sơ trường hợp của bà Thủy, xác minh nguồn gốc đất, các vấn đề tranh chấp, đo vẽ để tham mưu UBND TP. Nha Trang xử lý.
Liệu có sai sót trong đo đạc xác minh khi đền bù?
Bà Huỳnh Ngọc Thủy cho rằng, việc ông Hà nói trang trại nuôi heo của bà không xác định được ranh giới là không đúng. Để chứng minh, bà Thủy đã cung cấp cho phóng viên bản trích đo địa chính thửa đất, trong đó có tọa độ và khoảng cách theo hệ tọa độ VN - 2000. Chỉ cần nhập bảng kê tọa độ lên máy là xác định được ngay vị trí thửa đất để hoàn thiện hồ sơ. Sở dĩ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang không hoàn thiện hồ sơ đền bù đất vì thời điểm xảy ra sạt lở núi, trung tâm đã đo đạc, xác lập hồ sơ đền bù có sai sót. Cụ thể, trung tâm đã gọi ông Nguyễn Văn Thắm (có thửa đất gần đó bị sạt lở) lên và ông đã chỉ ranh giới đất của ông vượt qua 3 thửa đất khác, trước khi lấn vào thửa đất của bà Thủy 4m chiều ngang.
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng xác nhận: Diện tích đất của bà Thủy theo trích đo địa chính là 750m2, nhưng khi đo lại thì Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang đã đo nhầm 4m chiều ngang với khoảng 150m2 đền bù cho ông Thắm. Xã đã đề xuất với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang trước mắt nhập tọa độ lên máy để đền bù cho bà Thủy 600m2 đất còn lại; còn phần đã lỡ đền bù cho ông Thắm thì tách ra, mời ông Thắm lên để thỏa thuận lại với bà Thủy. Tuy nhiên, đến nay, trung tâm vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Ngoài 11 hộ bị sập nhà hoàn toàn thuộc diện di dời tái định cư, dưới chân núi Xanh vẫn còn 24 hộ dân có nhà bị sập một phần, bị hư hỏng hoặc nằm trong diện nguy cơ sạt lở, phải tái định cư. 24 hộ dân này nằm trong giai đoạn 2 của dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện việc di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở tại thôn Phước Lộc, với tổng diện tích khoảng 1,91ha. Tuy nhiên đến nay, giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được thực hiện. Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang đã báo cáo UBND TP. Nha Trang theo hướng rà soát lại thực tế, xem xét báo cáo của Sở Khoa học - Công nghệ về đề tài nghiên cứu đánh giá các khu vực nguy cơ sạt lở, nếu khu vực này đảm bảo an toàn thì hủy bỏ dự án giai đoạn 2 để người dân ổn định cuộc sống.