Ban An toàn giao thông tỉnh vừa ban bành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025. Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
Ban An toàn giao thông tỉnh vừa ban bành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025. Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết:
- Kế hoạch này được tổ chức triển khai đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo ATGT hàng hải, hàng không trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể của kế hoạch này?
- Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định trật tự ATGT. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong công tác bảo đảm trật tự ATGT để tiếp tục giảm tai nạn giao thông (TNGT), phấn đấu giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5 đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, hiệu quả và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, kế hoạch cũng nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và Nghị quyết số 48 của Chính phủ đến tận cơ sở, mọi tầng lớp nhân dân; kịp thời phản ánh những gương tốt, việc tốt về tham gia giữ gìn trật tự ATGT, phê phán và xử lý nghiêm, mạnh mẽ những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT…
- Nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch này là gì, thưa ông?
- Kế hoạch có 8 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Trước hết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự ATGT; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải. Đồng thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.
Ngoài ra, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiên cứu khoa học về bảo đảm trật tự ATGT; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT...
- Xin cảm ơn ông!
THÀNH NAM (Thực hiện)