Giúp trẻ có những trải nghiệm, bài học cuộc sống quý báu và vô số kỹ năng mềm được tích lũy là những điều các bậc phụ huynh mong muốn con mình nhận được sau những chuyến đi thiện nguyện, san sẻ yêu thương…
Giúp trẻ có những trải nghiệm, bài học cuộc sống quý báu và vô số kỹ năng mềm được tích lũy là những điều các bậc phụ huynh mong muốn con mình nhận được sau những chuyến đi thiện nguyện, san sẻ yêu thương…
Khi bố mẹ là đầu tàu
Năm 2020, khi bão lũ hoành hành ở miền Trung, anh Nguyễn Vi Nhật (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) đã cùng con vận động, quyên góp ủng hộ kinh phí giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do bão lũ ở Quảng Bình. Anh Nhật chia sẻ, anh thường cùng bạn bè làm thiện nguyện bằng cách đóng góp trong khả năng của mình, như: ủng hộ giúp người dân khó khăn bằng tiền mặt; vận động bút, vở gửi đến những nơi có trẻ em đang thiếu thốn hay vận động bạn bè có gì góp nấy… Từ những việc làm, trải nghiệm đáng quý, anh muốn con mình cùng tham gia để các con hình dung rõ hơn về cuộc sống, thêm dạn dĩ, trưởng thành và biết yêu thương những người kém may mắn hơn mình.
Có cùng suy nghĩ giống anh Nhật, chị Lê Kim Thư (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) luôn muốn cùng con gái đi tặng quà, phát cơm cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, những ngày rằm và mùng một, chị thường đưa con theo đến điểm phát cơm, chủ yếu là tặng cho các khoa có nhiều bệnh nhân nặng trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với chị, điều ý nghĩa nhất của các hoạt động này chính là trao tận tay những món quà cho người thật sự cần. Như thế, mình vừa có dịp trò chuyện với họ, vừa để con học cách cho đi. “Ban đầu, tôi chỉ muốn con tham gia để hiểu thêm về thiện nguyện, không ngờ con lại vô cùng hào hứng và chủ động muốn cùng tôi và các cô chú trong đoàn tiếp tục đồng hành ở những hoạt động sau”, chị Thư tâm sự.
Có thể thấy, điểm chung của các phụ huynh hướng trẻ tham gia các hoạt động thiện nguyện là họ thường xuyên có mặt trong các chương trình. Chính vì thế, họ hiểu rõ ý nghĩa và dễ dàng hướng dẫn con cái cùng góp sức thực hiện.
Học cách yêu thương
Để các em thực sự hứng thú và tự nguyện tham gia thiện nguyện, các phụ huynh đã tạo sự gần gũi, dễ hiểu trong cách truyền đạt để trẻ nắm được ý nghĩa của các chương trình, hoạt động thiện nguyện. Đồng thời, tạo cho trẻ ấn tượng tốt ngay từ lần đầu đi cùng.
Chứng kiến bố Nhật tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, em Nguyễn Vi Tuệ Nhã (học sinh lớp 7/1, Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang) cũng rất hăng hái phụ giúp bố gói quà và xung phong đi cùng. Tuệ Nhã chia sẻ, ngày 18-6, em sẽ cùng bố Nhật và các cô chú đến 2 điểm trường ở huyện Vạn Ninh là Trường THCS Mê Linh và Trường Tiểu học Đại Lãnh để tặng các phần tập, vở, bút… cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn của trường. Em rất mong đến ngày được cùng bố tận tay trao những suất quà này đến các bạn.
Còn em Nguyễn Lê Minh Ngọc (lớp 9/1, Trường THCS Thái Nguyên) từ 3 năm trước đã luôn cùng rong ruổi với bố mẹ trong những đợt đi tặng quà, phát cơm. “Có những lần, em tặng cơm cho ông bà tuổi đã cao, bệnh tật nhưng vẫn phải vất vả mưu sinh. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, hy vọng sau này em có thể tự làm nhiều việc để giúp đỡ nhiều hơn những người khó, khổ hơn mình”, Minh Ngọc chia sẻ.
Với em Nguyễn Duy Bảo (12 tuổi), sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, em đã cùng mẹ chuẩn bị các suất quà cho các bạn ở những điểm trường xa xôi như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh vào những dịp cuối tuần… Duy Bảo cho biết: “Em thấy chuyến đi vô cùng thú vị và nhiều ý nghĩa. Em không chỉ biết thêm một địa danh mới, mà qua đó em thấy còn rất nhiều mảnh đời khó khăn cần sự chia sẻ”.
THANH TRÚC