11:06, 17/06/2022

Bảo hiểm xã hội tự nguyện ở miền núi: Tăng cường công tác tuyên truyền

Từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu tăng, đồng nghĩa với quyền lợi của người tham gia cũng được nâng lên. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn là một bài toán khó.

Từ ngày 1-1-2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu tăng, đồng nghĩa với quyền lợi của người tham gia cũng được nâng lên. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi, công tác phát triển BHXH tự nguyện vẫn là một bài toán khó. Để nâng tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, công tác tuyên truyền đang được cơ quan BHXH đẩy mạnh.


Người dân băn khoăn


4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 14.800 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt gần 52,35% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc nâng tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện thời gian tới gặp khá nhiều khó nhăn, nhất là khu vực miền núi. Theo ông Nguyễn Văn Tác - Phó Giám đốc BHXH huyện Khánh Vĩnh, tính đến cuối tháng 4, số người tham gia mới đạt 120 người, nhưng số người tạm dừng đóng cũng ở mức khá cao. Nguyên nhân chính là do từ ngày 1-1, mức đóng BHXH có nhiều thay đổi. Theo đó, với mức đóng BHXH tự nguyện được quy định trong Luật BHXH, hàng tháng người đóng bằng 22% mức thu nhập trong tháng, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Như vậy, mức đóng thấp nhất của người dân là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng của năm 2021. Quy định này khiến cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và giữ chân những người đã tham gia BHXH gặp khó. Địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước kia, người tham gia BHXH tự nguyện đóng trên 130 ngàn đồng; nay theo quy định mới, dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng mức đóng thấp nhất cũng lên đến 297 ngàn đồng.

 

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn.


Chị Cao Thị Vọng (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh) cho biết: “Tôi thấy việc tham gia BHXH rất cần thiết. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, thu nhập không ổn định nên mong Nhà nước hỗ trợ phần nào để người dân nghèo như tôi có thể tham gia”.


Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động


Bên cạnh việc nâng mức đóng BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với các hộ nằm trong chuẩn nghèo khu vực nông thôn, miền núi cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, do ở các huyện miền núi, người dân chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh, chưa kể tình hình dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến thu nhập của bà con sụt giảm nghiêm trọng, nên việc tham gia BHXH tự nguyện còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, cơ quan BHXH đã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHXH, nhất là đối với người lao động ở khu vực thị trấn, tiểu thương, nông dân sản xuất, kinh doanh có thu nhập ổn định. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến các xã, thị trấn có tỷ lệ người dân tham gia thấp; phối hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức hội, đoàn thể, đại lý thu ở địa phương tổ chức truyền thông nhóm nhỏ vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.


Theo lãnh đạo BHXH huyện Khánh Sơn, từ đầu năm đến nay, BHXH huyện đã tổ chức 35 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH cho gần 1.700 người dân. Trong các buổi tuyên truyền, người dân đã nhận thấy lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên số người đăng ký tham gia tăng 173 người so với cùng kỳ năm trước.


Ông Lê Văn Điệp - Phó Trưởng phòng Quản lý điều hành truyền thông và phát triển đối tượng BHXH tỉnh cho biết: “Thời gian qua, BHXH tỉnh đã chú trọng tuyên truyền lợi ích của BHXH cho các đối tượng có thu nhập ổn định, hội viên phụ nữ, nông dân… không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; tuyên truyền, vận động người dân hạn chế làm thủ tục hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện cho các đại lý thu trên địa bàn”.


Cũng theo đại diện BHXH tỉnh, cơ quan BHXH các cấp cũng cần nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm trong phục vụ nhân dân; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký đóng, hưởng BHXH; đảm bảo giải quyết các chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, cần xem xét, nghiên cứu đề xuất một số chính sách để hỗ trợ thêm các đối tượng nằm trong chuẩn nghèo là người dân tộc thiểu số, để bà con có cơ hội tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện.


MÃ PHƯƠNG