10:05, 15/05/2022

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở Ninh Hòa: Nhiều hoạt động thiết thực

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, thị xã Ninh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.


Quan tâm chăm lo cho trẻ


Ông Trần Văn Phải - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Ninh Hòa cho biết, 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã bám sát Chỉ thị 20, làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về các nội dung, chính sách trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các địa phương, nhất là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đã tác động tích cực, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong cộng đồng.

 

Cán  bộ   y  tế   Phòng  khám   Đa khoa  khu vực  Ninh Sim  khám bệnh  cho trẻ.

Cán bộ y tế Phòng khám Đa khoa khu vực Ninh Sim khám bệnh cho trẻ.


Cùng với đó, Thị ủy, UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Theo đó, 100% trẻ thuộc đối tượng quy định đều được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng; trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp bảo hiểm y tế; trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí điều trị…


Dưới sự chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, ngành Y tế đã triển khai tốt chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thực hành dinh dưỡng cho phụ huynh… Nhờ đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân toàn thị xã từ 6,38% (năm 2012) giảm còn 5% (năm 2021), thể thấp còi từ 8,13% giảm còn 6%. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đủ các liều vắc xin luôn đạt từ 96% đến 99%. Các cấp, ngành của thị xã còn phối hợp tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc định kỳ và đưa đi phẫu thuật chỉnh hình miễn phí tay, chân cho 40 trẻ, phẫu thuật nụ cười cho 60 em; hỗ trợ giày, nạng, nẹp, xe lăn, xe lắc cho 48 em khuyết tật khó khăn vận động; trợ cấp thường xuyên cho 300 trẻ khuyết tật. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức, các cấp, ngành, tổ chức từ thiện đã vận động được hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ học bổng và khen thưởng cho hơn 10.000 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.


10 năm qua, toàn thị xã đã cấp phát hơn 10.000 tờ rơi, tờ gấp, sách mỏng… tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm quyền trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong dịch Covid-19…


Những mô hình hiệu quả


Dưới sự chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã, các đơn vị liên quan đã xây dựng và duy trì các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào gia đình và cộng đồng. Theo đó, hàng năm, Chương trình “Hỗ trợ giáo dục xã hội vì trẻ em” đã triển khai cho 200 hộ gia đình có trẻ em có nguy cơ bỏ học vay vốn để phát triển kinh tế, đảm bảo cho các em được đến trường. Mô hình “Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và trẻ khuyết tật” đã kết nối dịch vụ và đáp ứng một số nhu cầu cho 80 trẻ tại xã Ninh Sim và phường Ninh Hải hòa nhập với bạn bè. Mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng” tiếp tục được duy trì tại 2 địa phương là Ninh Xuân và Ninh Thủy.


Hàng năm, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, trường học thị xã còn tổ chức đóng góp từ 70 đến 100 triệu đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em thị xã, góp phần chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thị đoàn Ninh Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ; đồng thời xây dựng 5 tụ điểm vui chơi cho thiếu nhi trị giá 250 triệu đồng, 8 căn nhà Khăn quàng đỏ, vận động 160 học sinh bỏ học quay lại trường học….


Ông Trần Văn Phải cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chỉ thị 20 trên địa bàn thị xã vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc các quan điểm của chỉ thị; chưa quan tâm đúng mức trong giáo dục, phổ biến, tuyên truyền; việc đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với thực tế; tổ chức bộ máy làm công tác trẻ em ở địa phương còn nhiều bất cập… Thời gian tới, Thị ủy Ninh Hòa tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 20; xây dựng và triển khai Chương trình hành động “Vì trẻ em trên địa bàn thị xã trong tình hình mới”; ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại, ngược đãi, bóc lột trẻ em; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn…”


C.ĐAN