09:04, 18/04/2022

Phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh

Mới đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ký kết quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt hơn công quản quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh.

Mới đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Hòn Bà, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) và BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ký kết quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt hơn công quản quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh.


Tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng


Lâm phận vùng rừng giáp ranh của 3 đơn vị: KBTTN Hòn Bà, BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và Công ty Lâm sản Khánh Hòa có diện tích lên đến hàng chục nghìn héc-ta, đường giáp ranh trải dài hàng chục kilômét trên địa giới hành chính các huyện: Cam Lâm, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Cụ thể, cả 3 đơn vị có 27 tiểu khu (1 tiểu khu có diện tích 1.000ha) nằm ở địa bàn giáp ranh. Trong đó, lâm phận của KBTTN Hòn Bà có 7 tiểu khu giáp ranh với lâm phận BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và 2 tiểu khu giáp ranh với lâm phận Công ty Lâm sản Khánh Hòa. Trong khi đó, BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa có 4 tiểu khu giáp ranh với Công ty Lâm sản Khánh Hòa, 6 tiểu khu giáp ranh với KBTTN Hòn Bà. Công ty Lâm sản Khánh Hòa có 2 tiểu khu giáp ranh với KBTTN Hòn Bà và 6 tiểu khu giáp ranh với lâm phận BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.

 

Lực lượng bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa tuần tra, bảo vệ rừng giáp ranh với lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.

Lực lượng bảo vệ rừng Công ty Lâm sản Khánh Hòa tuần tra, bảo vệ rừng giáp ranh với lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.


 Theo ông Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Phó Giám đốc phụ trách BQL KBTTN Hòn Bà, vùng rừng giáp ranh giữa 3 đơn vị là khu vực rừng tự nhiên có tính đa dạng sinh học cao, trữ lượng gỗ lớn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ về khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, phát nương làm rẫy trái phép… Những năm qua, các đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên diện tích rừng giáp ranh của mỗi đơn vị. Trong đó, KBTTN Hòn Bà liên tục tổ chức các đợt tuần tra rừng giáp ranh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp tại các khu vực giáp ranh với địa bàn xã: Sơn Tân (huyện Cam Lâm), Sơn Trung (huyện Khánh Sơn), Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh)…


Lãnh đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết, do các khu vực rừng giáp ranh phân bố chủ yếu ở nơi có địa hình đồi núi dốc, đi lại không thuận lợi nên công tác quản lý, bảo vệ hết sức khó khăn. Đơn cử như lâm phận của công ty giáp ranh với khu vực Tà Giang (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn), rất xa các trạm, chốt bảo vệ rừng của công ty. Mỗi khi có người dân tổ chức du lịch tự phát đến đây, đi phượt qua Khánh Vĩnh, nếu không phối hợp quản lý thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến lâm phận của công ty.


Phối hợp quản lý, bảo vệ


Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng trên địa bàn giáp ranh; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng…, BQL KBTTN Hòn Bà, BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng tại vùng giáp ranh.

 

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tuần tra  tại khu vực giáp ranh lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.

Lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tuần tra tại khu vực giáp ranh lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.


Theo đó, bên cạnh trao đổi thông tin về tình hình khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp..., hàng tháng, 3 đơn vị sẽ chủ động phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, kiểm soát lâm sản trên lâm phận giáp ranh. Đối với việc tổ chức tuần tra riêng của mỗi đơn vị, nhất là khu vực có nguy cơ xâm hại cao, tổ công tác đơn vị chủ rừng nào phát hiện vụ việc vi phạm tại khu vực giáp ranh thì chủ động ngăn chặn, lập biên bản, hồ sơ ban đầu và báo cáo vụ việc cho chủ rừng bị tác động để tiếp tục xử lý theo quy định. Trong trường hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng gặp trở ngại, khó khăn, các đơn vị sẽ cử lực lượng để hỗ trợ kịp thời. Các đơn vị còn phối hợp trong công tác phòng, chống cháy rừng, nhất là khi có cháy rừng sẽ thông báo, điều động lực lượng, phương tiện tại các đơn vị để cùng tham gia chữa cháy.


Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Việc ký kết quy chế phối hợp sẽ huy động được nhân lực, trang thiết bị… của cả 3 đơn vị nhằm ngăn chặn kịp thời, có hiệu lực, hiệu quả các vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên khu vực rừng giáp ranh được giao. Đây còn là cơ sở để các đơn vị phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng giáp ranh 3 huyện: Cam Lâm, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chấp hành tốt quy định của Luật Lâm nghiệp, tham gia tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng”.


HẢI LĂNG