10:04, 25/04/2022

Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập

Thời gian qua, Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, trợ giúp trẻ khuyết tật, giúp các em từng bước hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Thời gian qua, Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, trợ giúp trẻ khuyết tật, giúp các em từng bước hòa nhập cộng đồng, xã hội.


Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa vừa phối hợp với nhóm Steam Nha Trang tổ chức buổi hoạt động ngoại khóa với tên gọi “Thấu hiểu để yêu thương” dành cho các em khuyết tật. Niềm vui, sự hào hứng hiện rõ trên khuôn mặt các em khi được tham gia những trò chơi như: ghép ảnh đoán nhân vật; gấp hạc giấy - viết ước mơ; được hướng dẫn cách làm bóng đèn bằng quả chanh… Em Huỳnh Ngọc Bảo Hân (14 tuổi, chậm phát triển trí tuệ) thổ lộ: “Các hoạt động vừa chơi vừa học và khám phá đã giúp em tự tin hơn. Em mong muốn có thêm nhiều hoạt động để em và các bạn phát huy năng khiếu của mình”.

 

Các em tham gia hoạt động trải nghiệm làm bóng đèn bằng quả chanh.

Các em tham gia hoạt động trải nghiệm làm bóng đèn bằng quả chanh.


Chị Phan Vũ Quế Hương có con đang học tại trung tâm cho biết: “Con tôi mắc bệnh tự kỷ. Vì vậy, cháu rất rụt rè và không dám xuất hiện ở chỗ đông người. Mỗi khi trung tâm tổ chức ngoại khóa, tôi thường tranh thủ sắp xếp công việc đến để tham gia cùng con, thấy con vui đùa với các bạn, tôi thấy vui lắm. Tôi mong sẽ có nhiều dịp để cháu được hòa nhập thế này”.


Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa cho biết, tại trung tâm, mỗi trẻ có một dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật khác nhau. Vì vậy, khi tổ chức các hoạt động, trung tâm đều họp bàn, xem xét kỹ lưỡng để các em đều có thể tham gia dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, tình nguyện viên. Hàng năm, trung tâm đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành riêng cho trẻ em khuyết tật như: Hội thi tiếng hát tuổi thơ, kể chuyện theo tranh, khéo tay hay làm, cờ vua, cờ tướng… Đặc biệt, trong năm 2021, trung tâm đã tổ chức cho các em tham gia nhiều hoạt động đạt kết quả tốt như: các buổi trải nghiệm thực tế (làm bánh bột lọc, đổ đông sương, trồng cây, chăm sóc hoa); hướng nghiệp dạy nghề; văn nghệ; hội họa; bơi lội…


Bên cạnh đó, năm qua, trung tâm đã tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho 1.806 lượt trẻ; tập vật lý trị liệu cho 617 lượt trẻ. Trung tâm còn tổ chức tập huấn online, cập nhật, chia sẻ những kiến thức về chuyên môn cho 144 lượt giáo viên với các nội dung: Xây dựng truyện tranh hỗ trợ trẻ khuyết tật; vấn đề giác quan ở trẻ tự kỷ và các giải pháp hỗ trợ xử lý giác quan ở trẻ; công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ ở trường tiểu học; dịch bệnh Covid-19 - những ảnh hưởng tâm lý đến trẻ và gia đình; sáng tạo chơi tại nhà cho trẻ chậm nói; một số giải pháp dạy kỹ năng tự phục vụ cho trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ; hướng dẫn phụ huynh sử dụng bộ công cụ “ASQ - 3 theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ 6, 12, 18 tháng”…


Bà Sinh cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động chăm sóc chuyên biệt hơn nữa cho các em tại trung tâm, đặc biệt là phối hợp với các đơn vị, nhà hảo tâm, các nhóm hoạt động giáo dục… tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tạo cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, phát triển mọi năng lực, năng khiếu sẵn có, tăng cường sức khỏe, sự lạc quan, tự tin yêu đời để hòa nhập với cộng đồng và xã hội…”.


THANH TRÚC