UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung của kế hoạch là nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động để từng bước giảm dần BLGĐ, kịp thời hỗ trợ người bị BLGĐ. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ BLGĐ (giảm 4 vụ so với năm 2020). Trong đó có: 10 vụ bạo lực tinh thần, 7 vụ bạo lực thân thể, 7 vụ bạo lực kinh tế. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ BLGĐ là phụ nữ (20 người). Sau khi tiếp nhận thông tin về các vụ BLGĐ, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương đã thực hiện biện pháp xử lý kịp thời như góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, xử phạt hành chính. Tất cả những người bị bạo lực và người gây ra BLGĐ đã được tổ hòa giải địa phương can thiệp, tư vấn kiến thức về phòng, chống BLGĐ. Trong năm, TP. Nha Trang đã thực hiện tiếp nhận 15 vụ hòa giải và đều thực hiện thành công, đạt 100%. Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 3.567 vụ việc hôn nhân - gia đình, trong đó có 3.151 vụ việc ly hôn, chiếm 88,33% tổng số vụ việc đã thụ lý. Trong số vụ việc ly hôn, có 66 vụ liên quan đến BLGĐ (chiếm 2,1%).
Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ BLGĐ trong thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do gia đình và nạn nhân còn thiếu tích cực trong việc hợp tác với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Nhiều nạn nhân còn e ngại, không mạnh dạn báo cơ quan, chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý những hành vi sai trái đối với người gây ra BLGĐ. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác truyền thông về phòng, chống BLGĐ triển khai chưa thật sự phong phú, đa dạng; các lớp tập huấn nhằm cập nhật các văn bản, kiến thức mới cho cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện được...
- Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tỉnh đề ra những mục tiêu cụ thể nào trong công tác phòng, chống BLGĐ, thưa ông?
- Toàn tỉnh sẽ triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để thực hiện các mục tiêu: Có 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố. Phấn đấu đạt 50% các kênh chương trình truyền hình phục vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của tỉnh có chuyên mục về phòng, chống BLGĐ; hơn 70% số người có nguy cơ bị BLGĐ được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị BLGĐ; những người bị BLGĐ khi phát hiện sẽ được bảo vệ, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe với tỷ lệ 95%; những người có hành vi bạo lực, khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực với tỷ lệ hơn 80%. Các huyện, thị xã, thành phố có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng phấn đấu đạt 90%; có 95% xã, phường, thị trấn duy trì mô hình phòng, chống BLGĐ; 90% số người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống BLGĐ.
- Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, theo ông, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tỉnh cần có những hành động như thế nào?
- UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ; hình thành mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên phòng, chống BLGĐ ở cơ sở, cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình ở cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống BLGĐ và thu thập thông tin về BLGĐ; xử lý kịp thời các hành vi BLGĐ theo quy định của pháp luật… Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trong tiếp nhận, chăm sóc y tế cho bệnh nhân là nạn nhân của BLGĐ; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLGĐ cho đội ngũ nhân viên y tế và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho trạm y tế cấp xã để nâng cao năng lực tiếp nhận, chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể hàng năm lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của địa phương, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi, hội diễn, tọa đàm giao lưu, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đồng thời, vận động, tổ chức những hoạt động an sinh xã hội, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
- Xin cảm ơn ông!
GIANG ĐÌNH (Thực hiện)