10:03, 07/03/2022

Thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, được tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 
 

Luật Hòa giải, đối thoại (HG-ĐT) tại tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, được tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

 

Hòa giải viên Tòa án nhân dân tỉnh nghe đương sự trình bày ý kiến về vụ việc dân sự.
Hòa giải viên Tòa án nhân dân tỉnh nghe đương sự trình bày ý kiến về vụ việc dân sự.
 
Kết quả thấp
 
Theo Luật HG-ĐT tại tòa án, HG-ĐT tại tòa án là hoạt động do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính theo quy định của luật này. Quyết định công nhận kết quả HG-ĐT có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. 
Tháng 2-2021, TAND tỉnh bổ nhiệm 49 hòa giải viên nhiệm kỳ 3 năm, kể từ ngày 1-1-2021 và phân bổ về 9 TAND trong tỉnh. Các hòa giải viên đã có nhiều năm công tác tại các cơ quan tư pháp, có tâm huyết, kỹ năng nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm sống. Các TAND đã niêm yết danh sách hòa giải viên tại trụ sở làm việc; bố trí phòng họp trực tuyến để hòa giải viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do TAND Tối cao tổ chức.
 
Tuy nhiên, theo thống kê của TAND tỉnh, từ đầu năm 2021 đến ngày 15-2, số đơn đương sự đồng ý HG-ĐT so với số đơn khởi kiện thuộc trường hợp tiến hành HG-ĐT chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 14,2%. Cụ thể, trong 5.942 đơn khởi kiện, yêu cầu thuộc trường hợp tiến hành HG-ĐT tại tòa án có tới 5.098 vụ, việc đương sự không đồng ý HG-ĐT. Trong 844 vụ, việc đương sự đồng ý HG-ĐT, mới có 499 vụ, việc đã giải quyết được, đạt 59%. So với số vụ, việc đương sự đồng ý HG-ĐT, số hòa giải thành, đối thoại thành là 396 vụ, việc, đạt 47%. Các vụ, việc còn lại phải chuyển tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng.
 
Còn nhiều khó khăn
 
Vừa hỗ trợ thành công một đương sự khởi kiện ly hôn tham gia hòa giải tại TAND tỉnh, luật sư tập sự Võ Minh Nhật (Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo và cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc thụ lý, giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng thông thường cũng có bước hòa giải và qua đó, nhiều trường hợp các bên đã thống nhất được hướng giải quyết. Nhưng để đi đến bước này, phải thụ lý vụ án, lấy lời khai các bên, thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh… HG-ĐT tại tòa án có nhiều ưu điểm hơn vì các bên có thể linh hoạt về thời gian, địa điểm, hình thức; được lựa chọn hòa giải viên; không mất phí làm thủ tục, chi phí theo đuổi vụ việc và bảo mật thông tin. Kết quả HG-ĐT thành được tòa án công nhận và có hiệu lực như quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
 
Thế nhưng, theo đánh giá của TAND tỉnh, đa số người dân, nhất là ở miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của luật, chưa tin tưởng vào công tác HG-ĐT tại tòa án nên đã chọn khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Nhiều người lại muốn vụ việc được giải quyết nhanh, sớm đưa ra xét xử. Khi nhận được thông báo lựa chọn hòa giải viên kèm danh sách, đa số đương sự lại lúng túng nên tòa án phải chỉ định với sự đồng ý của họ. Điều này dễ dẫn đến tình trạng người được phân công hòa giải nhiều, người được phân công ít.
 
Hiện nay, do chưa có biên chế thư ký giúp việc lưu trữ, quản lý hồ sơ hòa giải, tống đạt văn bản nên các TAND phải trưng dụng bộ phận văn thư, thư ký giúp việc cho thẩm phán làm việc này, nhưng quyền lợi, trách nhiệm của họ chưa được quy định. Bà Nguyễn Thị Minh Thư, hòa giải viên TAND tỉnh phản ánh, hòa giải viên đã khắc phục tự soạn thảo văn bản, nhưng hầu hết họ là cán bộ, công chức về hưu, mắt đã kém, đánh máy không chuẩn. 
 
Bên cạnh đó, do không có con dấu riêng, các văn bản gửi đương sự chỉ có chữ ký của hòa giải viên, đóng dấu treo của tòa án, khiến người dân chưa tin tưởng. Một số TAND cấp huyện phải tận dụng phòng làm việc, sảnh cơ quan, phòng nghị án... làm phòng hòa giải. Hiện nay, cũng chưa có cơ chế giám sát hoạt động của hòa giải viên; chưa có hướng dẫn về thủ tục tống đạt thông báo, quyết định, giấy mời. Do đó, tòa án, hòa giải viên không biết có thể áp dụng tương tự hình thức cấp tống đạt văn bản tố tụng của Bộ luật Tố tụng dân sự hay không, và nếu được thì có thể dùng kinh phí chi cho công tác HG-ĐT để hợp đồng với đơn vị có chức năng tống đạt thực hiện không…
 
Theo ông Nguyễn Anh - Chánh án TAND tỉnh, để Luật HG-ĐT tại tòa án thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, rất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật. TAND tỉnh cũng đề nghị cấp kinh phí để thuê trụ sở, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác HG-ĐT; bổ sung thư ký giúp việc cho hòa giải viên để nâng cao hiệu quả lưu trữ hồ sơ, tống đạt văn bản HG-ĐT. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên; quy định cụ thể trách nhiệm của hòa giải viên trong tiếp xúc với đương sự.
 
NGUYỄN VŨ